Hà Nội thừa nhận dành làn riêng cho BRT là chưa hợp lý
Lãnh đạo Hà Nội đánh giá, theo lộ trình, theo giờ, số xe hoạt động trung bình thấp nhất mỗi xe chỉ có 34 khách, cao nhất chưa đạt 48 khách trong khi sử dụng làn xe riêng là chưa hợp lý |
Thí điểm xe buýt khác đi vào làn BRT
Trình bày dự thảo quyết định thay thế Quyết định 06/2013/QĐ – UBND ngày 25-1-2013 của UBND TP về hoạt động các phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP, đại diện Sở GTVT cho biết, một trong điểm mới của dự thảo này là, mở rộng thêm một số phương tiện được đi vào làn BRT như xe cứu thương, các loại xe ưu tiên..., nguyên nhân lượng khách đi xe buýt làn BRT chưa cao.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP cho biết, đến nay theo lộ trình, theo giờ, số xe hoạt động trung bình thấp nhất mỗi xe chỉ có 34 khách, cao nhất chưa đạt 48 khách trong khi sử dụng làn xe riêng là chưa hợp lý.
“Trước mắt đưa xe buýt thường đi vào đây. Sở GTVT nghiên cứu, làm việc với TCty vận tải để trước mắt thí điểm 6 tháng việc cho các loại xe buýt khác đi vào làn BRT. Sau đó nghiên cứu mở rộng thêm các phương tiện khác”, Chủ tịch UBND TP nói.
Ngoài ra, dự thảo cũng đề cập vấn đề mở rộng các đường giao thông; quản lý xe ba bánh; thời gian hoạt động của các phương tiện... Thảo luận nội dung này, các ý kiến đề nghị bổ sung việc quản lý xích lô, không để tình trạng đón trả, mời chào khách tràn lan, gây mất mỹ quan.
Đồng tình với các kiến nghị, Chủ tịch UBND TP giao Sở Du lịch chủ trì làm việc với 5 DN đang kinh doanh phương tiện này theo tiêu chí sẽ giảm dần số xe theo lộ trình xuống còn 50 xe. Sở Du lịch cần làm đầu mối kết nối để các DN này liên kết với các khách sạn; có điểm đỗ, gắn với các tuyến du lịch rõ ràng.
“Giữ lại xe xích lô du lịch - nét đặc trưng của thủ đô là cần, nhưng phải bảo đảm trật tự giao thông đi lại. Do vậy, phải siết chặt quản lý, đưa vào quản lý. Thay thế dần theo lộ trình”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh. Các ý kiến thảo luận cũng đề nghị bổ sung việc quản lý xích lô du lịch, không để tình trạng đón trả, mời chào khách tràn lan, gây mất mỹ quan.
Chủ động ứng phó với sự cố thiếu nước mùa hè
Một nội dung khác cũng được đưa ra bàn thảo tại cuộc họp đó là kế hoạch cấp nước Hè 2017. Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết: Hiện, tổng nguồn cấp nước đạt 926.000 m3/ ngày đêm từ nguồn nhà máy nước mặt Sông Đà, các nhà máy nước ngầm. Tuy nhiên, vào thời gian cao điểm mùa Hè, nhu cầu dùng nước tăng mạnh (10-12% so với ngày thường), tương ứng nhu cầu khoảng 1.040.000 - 1.060.000m3/ngày đêm. Vì thế, trong giai đoạn cao điểm, lượng nước thiếu hụt sẽ ở mức 70.000 - 100.000m3/ngày đêm.
Đặc biệt, hệ thống đường ống cấp nước Sông Đà (hiện, chiếm 23,4% tổng sản lượng nước của Hà Nội) lại tiềm ẩm nguy cơ cao xảy ra sự cố vỡ ống. Ngoài ra, hệ thống này đang vận hành với áp suất thấp, càng hạn chế khả năng cung cấp nước sạch cho các khu trung tâm. Để khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng cấp nước, Sở Xây dựng yêu cầu Công ty Cổ phần Viwasupco (đơn vị cấp nước Sông Đà) phải thường xuyên tuần tra, nhất là kiểm tra 7 điểm đấu nối; phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố rò rỉ, vỡ ống… Thời gian sửa chữa không được quá 10 giờ/1 điểm vỡ...
Xác định đây là vấn đề cấp bách, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung lưu ý Sở Xây dựng cần có quy hoạch phát triển mạng lưới; chủ động ứng phó với các sự cố thiếu nước mùa hè, đấu nối hệ thống; tăng công suất với các nhà máy cấp bách như Nhà máy nước mặt Sông Đà.
Người đứng đầu chính quyền Thành phố yêu cầu Sở Xây dựng cần khẩn trương làm ngay trạm điều áp ở vị trí đã được thành phố phê duyệt. Với trạm điều áp này, nhà máy nước mặt sẽ tăng thêm công suất 100.000 m3/ngày đêm. Cộng với các nguồn khác sẽ có gần 150.000m3/ ngày đêm, sẽ giải quyết được nhu cầu nước sinh hoạt. Chủ tịch UBND TP cũng yêu cầu các nhà máy nước, hàng tháng, phải cung cấp mẫu nước để xét nghiệm, nơi nào không đảm bảo vệ sinh cần xử phạt nghiêm...