Hà Nội: Ở chung cư cũ nát phải cực "gan" hoặc quá nghèo
Nằm trong danh sách 42 chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm đang ở mức báo động, khu tập thể thuốc lá Thăng Long (Thanh Xuân, Hà Nội) được “liệt” vào danh sách những tòa chung cư nguy hiểm mức độ C.
Nhiều hộ có trần nhà bị bong tróc lộ rõ những thanh sắt. |
Đây là nơi sinh sống của gần 500 hộ gia đình. Nhiều năm nay, họ phải sống trong sự bất an, nỗi sợ hãi vì mức độ xuống cấp của tòa nhà.
Tập thể thuốc lá Thăng Long được xây dựng từ những năm 1958-1960, đến nay công trình đã cõng hàng ngàn hộ dân sinh sống trong gần 60 năm qua.
Ông Nghiêm Đình Chiến, 84 tuổi, một trong những người định cư lâu nhất tại khu tập thể này cho hay: “Năm 1960 khi khu tập thể này xây xong, chúng tôi (công nhân nhà máy thuốc lá) bắt đầu chuyển về đây. Lúc đó, mỗi tầng có từ 32 -38 phòng, mỗi phòng rộng 16m2. Mỗi tầng có 2 nhà vệ sinh, một của nam, một của nữ. Hồi đó người đông như vậy nhưng không bao giờ xảy ra tình trạng phải xếp hàng khi đi tắm giặt”.
38 hộ/tầng phải dùng chung nhà vệ sinh công cộng cũ kỹ, mùi hôi nồng nặc. |
“Những năm 1985, nhiều hộ bắt đầu “nâng cấp”, cơi nới lấy thêm không gian. Từ đó, nhiều chuồng cọp xuất hiện, lấn chiếm hết cả không gian của vè, chắn hết cả ánh sáng chiếu xuống tầng 1, nhiều ngõ ban ngày mà lúc nào cũng như đêm”- ông Chiến chia sẻ thêm.
“Nhà vệ sinh tắc là chuyện rất bình thường tại khu này” – ông Nam cho hay. |
Gia đình ông Nguyễn Văn Nam, 76 tuổi cũng phải sống trong tình trạng chật chội, thường ngày phải chịu đựng mùi hôi thối. Ông cho biết, căn phòng 16m vuông này phải ở đến 5 người. 2 ông bà, 3 người con. Tất cả sinh hoạt chỉ gói gọn trong đây. Nhiều gia đình còn phải ở đến 3 thế hệ. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè mùi hôi thối từ nhà vệ sinh bốc lên nồng nặc, khó chịu.
Nhiều hộ dân ăn gian diện tích bằng cách cơi nới thêm những “chuồng cọp” để chứa đồ, làm bếp, chỗ phơi quần áo. |
Nắng chỉ mới bắt đầu xuất hiện vào những ngày cuối đông, nhưng khi đi dọc hàng lang, mùi ẩm mốc, hôi thối từ nhà vệ sinh đã bốc lên nồng nặc. “Tầng 1 còn đỡ vì họ có không gian lấn chiếm nên xây được nhà vệ sinh riêng, chứ 2 tầng trên dùng nhà vệ sinh công cộng. Chất thải của tất cả các hộ gia đình đều tập trung lại trong 1 bể phốt. Nhiều lần bể phốt bị quá tải, tắc nghẽn, tràn ngược lên khiến nước bẩn lênh láng. Nhất là những hộ cạnh nhà vệ sinh thì rất ô nhiễm. Mới đây, một bên nhà vệ sinh lại bị tắc, tôi phải viết phấn, ghi chú lên bảng” – ông Nam bức xúc.
Dây điện trước cửa nhà được tận dụng làm dây phơi quần áo. |
Đa số các hộ dân sinh sống ở đây đều tập trung từ 2 đến 3 thế hệ. Không gian chật hẹp, nhất là vào các buổi tối khi mọi người đông đủ ở nhà. Đứng lên chạm mặt nhau, ngồi xuống cũng khó tráng khỏi. không gian riêng tư của các cặp vợ chồng thì được bố trí che chắn bằng những bức rèm, nhà nào khá hơn thì dựng cái gác xép. Đồ đạc tứ tung, chật chội. Nhiều hộ gia đình còn tận dụng cả hàng lang để làm bếp, những dây điện trước cửa nhà làm dây phơi quần áo...
Sự nhếch nhác, chằng chịt, bừa bộn bao trùm cả khu tập thể. |
Chật chội là thế nhưng sự an toàn với những người dân nơi đây mới là điều đáng bàn. Ông Nam cho biết: “Khu tập thể này đã lâu năm nên những căn phòng này hầu như đã bong tróc hết lớp cát, xi măng, nhiều chỗ lộ cả sắt. Vào những nhà nào mà thấy mới, kiên cố thì họ vừa làm lại đấy. Căn phòng này tôi cũng vừa gia công lại, chứ trước kia đứng nấu ăn thôi mảng vôi, vữa rơi lả tả. Nhiều hôm nấu cả cát là chuyện bình thường”.
Có hộ tận dụng gầm cầu thang chật hẹp làm cửa hàng may đo sửa chữa quần áo |
“Nhiều gia đình đã phải chuyển đi vì quá chật chội và ô nhiễm. Những căn không có người mua thì họ mở dịch vụ cho thuê trọ. Nên ở đây có nhiều sinh viên, người lao động tứ xứ là vậy”, bà Trần Thị Yên cho biết.
Dãy hàng lang tối ôm, ngày cũng như đêm, luôn cần điện thắp sáng. |
Trước tình trạng tòa nhà bị xuống cấp nghiêm trọng, tường bị bong tróc, nhà vệ sinh thì thường xuyên tắc, ô nhiễm môi trường, mùi hôi thối xú ế bốc lên... nhưng những hộ dân sống ở đây chắc biết kêu với ai. Chuyển nhà thì không có điều kiện mà ở lại thì lo lắng.
“Nhiều lần có cán bộ xuống xem, đo đo đạc đạc nhưng vẫn thế thôi. Lở vẫn hoàn lở, bong tróc ngày càng nhiều. Bây giờ khu này lại nằm trong diện nguy hiểm cần giải tỏa, không có tiền như chúng tôi thì biết di dời đi đâu được”, ông Nam tâm sự.