Hà Nội nói gì về việc ông Trần Đăng Tuấn bị loại sau hiệp thương lần 3?
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP. Hà Nội |
Chiều 19/4, tại buổi giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, ông Bùi Anh Tuấn, Phó Chủ tịch MTTQ Việt Nam TP Hà Nội khẳng định, Hà Nội đã quán triệt tư tưởng chỉ đạo của các cấp ủy, triển khai tốt Luật bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp; triển khai kế hoạch đúng luật.
Ngoài triển khai công tác bầu cử theo Mặt trận tổ quốc các cấp, Hà Nội còn bám sát theo từng quy trình, các bước để phát huy dân chủ, đúng quy trình, bám sát Luật bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp và chỉ thị của Trung ương MTTQ Việt Nam. Qua 3 lần hiệp thương, ngày 15/4, hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đã lập ra danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa 14, ứng cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2020.
Ông Bùi Anh Tuấn cho biết, hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đã tập trung thảo luận tiêu chuẩn đại biểu, số lượng người ứng cử, thành phần cơ cấu, tín nhiệm của cử tri đối với 87 người đã được thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử ĐBQH tại hội nghị hiệp thương lần thứ 2.
“Sau đó hội nghị đã nhất trí danh sách 38 người có tín nhiệm cao tại hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH khóa XIV. Trong đó, trình độ giáo sư, tiến sỹ đạt 42,10%; thạc sỹ 28,95%; đại học tỉ lệ 28,95%. Trong đó cơ cấu nữ đạt tỉ lệ 39,47%; dân tộc thiểu số đạt 5,26%; người trẻ dưới 40 tuổi đạt 7,78%; người ngoài Đảng đạt 7,89%; người tái cử 13,16%”- ông Bùi Anh Tuấn cho biết.
Đối với người ứng cử đại biểu HĐND TP, hội nghị hiệp thương lần thứ 3 đã nhất trí 179 người có tín nhiệm cao, đủ tiêu chuẩn ứng cử đại biểu HĐND TP nhiệm kỳ 2016-2021. Trong đó người có trình độ giáo sư, tiến sỹ đạt 15,64%; thạc sỹ đạt 51,64%; đại học tỉ lệ 31,84%; tốt nghiệp THPT đạt 0,56%. Cơ cấu nữ đạt 36,87%, dân tộc thiểu số đạt 1,68%; tôn giáo đạt 1,68%; trẻ dưới 35 tuổi đạt 12,29%. Ngoài đảng 14,53%; tái cử đạt 19,55%.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về lý do ông Trần Đăng Tuấn không qua được vòng hiệp thương lần 3, ông Bùi Anh Tuấn cho biết: Về luật, người ứng cử hay tự ứng cử đều bình đẳng. Việc lấy tín nhiệm ở nơi cư trú, nơi công tác theo quy trình, quy định. Sau khi qua các bước đó mới đủ tiêu chuẩn bước tiếp vào vòng hiệp thương lần 3. Tuy nhiên, việc một người nào đó có đi tiếp hay không do đại biểu có mặt ở tại buổi hiệp thương bầu. Buổi hiệp thương lần thứ 3 gồm 83 người với 2 hình thức lựa chọn ứng cử viên (bỏ phiếu kín và giơ tay biểu quyết).
“Tất cả những người vào vòng hiệp thương lần 3 đều đủ tiêu chuẩn (đủ tín nhiệm nơi công tác, nơi cư trú - PV)… Tuy nhiên, trong số tiêu biểu phải chọn những người tiêu biểu hơn”- ông Bùi Anh Tuấn nhấn mạnh.
Trả lời những thắc mắc của báo chí liên quan đến việc có hay không giới hạn số lượng người được tham dự buổi tiếp xúc cử tri, ông Bùi Anh Tuấn cho biết, theo luật quy định việc tiếp xúc cử tri không giới hạn số lượng người tham dự. Tuy nhiên, tùy theo điều kiện từng nơi để bố trí lượng cử tri tham dự tối đa.