Hà Nội: Nhà đất tăng giá, mua bán lập tức đóng băng
Khảo sát của PV tại một số sàn giao dịch bất động sản ở Hà Nội cho thấy, số lượng khách hàng đến tìm hiểu thông tin dự án khá nhiều, nhất là những dự án có vị trí đẹp, giá phù hợp, đang được chủ đầu tư mở bán được đông đảo khách hàng quan tâm. Trong đó, nhiều dự án trong khu vực nội đô tiếp tục thu hút khách mua.
Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giao dịch trên thị trường bất động sản đang có xu hướng giảm nhẹ.
Trao đổi với PV Infonet, Giám đốc Sàn giao dịch BĐS EZ Việt Nam Phạm Đức Toản, cho hay, quý 1/2016, giao dịch bất động sản tại Hà Nội vẫn tương đối ổn định, nhất là đối với phân khúc căn hộ diện tích trung bình, giá phù hợp được nhiều khách hàng đến sàn tìm hiểu và giao dịch. Mặc dù vậy, so với quý 4/2015 thì giao dịch tại quý 1/2016 có giảm nhẹ.
“Thị trường bất động sản chững lại do nhiều yếu tố tác động. Trước hết là thông tin về chính sách, cụ thể là dự thảo sửa đổi Thông tư 36 mới đây cùng với gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ về nhà ở cho người thu nhập thấp sẽ đóng vào 1/6 tới đây đã tác động đến tâm lý nhà đầu tư và thị trường.
Hơn nữa, từ đầu năm đến nay, giá bất động sản tại Hà Nội xu hướng tăng, dù mức tăng không lớn nhưng cũng ảnh hưởng đến giao dịch của thị trường. Ngoài ra, đây là thời điểm đầu năm, tâm lý của người mua nhà vẫn e ngại phải xuống tiền vào đầu năm. Tất cả những yếu tố trên đã khiến cho giao dịch trên thị trường bất động sản chững lại”, ông Phạm Đức Toản nói.
Ông Trần Đức Diễn, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Maxland cũng cho rằng, tâm lý lo ngại về sự thay đổi của chính sách, cụ thể là việc sửa đổi Thông tư 36 hạn chế tín dụng cho vay đối với bất động sản cũng như việc “đóng cửa” gói 30 nghìn tỷ vào tháng 6 tới đây khiến chủ đầu tư và khách hàng e ngại.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân khiến giao dịch trên thị trường chững lại là do giá bất động sản có xu hướng tăng. Khảo sát trên thị trường Hà Nội cho thấy, tại một số quận nội đô, giá bán tại một số dự án đã điều chỉnh tăng khoảng từ 10-20% so với cùng kỳ năm trước. Nhất là đối với phân khúc nhà ở bình dân, mức giá chào bán tại các dự án vào thời điểm này đã cao hơn so với thời điểm trước từ 5-10%
Còn báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam về thị trường bất động sản quý 1/2016 cũng nhận định, hiện thị trường bất động sản không có dự án giảm giá, ngược lại với những dự án mới triển khai tại các vị trí đẹp, dự án sắp hoàn thành, hoặc tại các dự án nhà ở đã xây xong giá tăng từ 1%-3% so với giá ban đầu. Đơn cử như một số dự án tại khu vực Hà Đông, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm.
Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa đưa ra báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 1, trong đó có đề cập đến thị trường bất động sản.
Theo phân tích của VEPR, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 được đưa ra đã có tác động không nhỏ tới tâm lý các nhà đầu tư bất động sản. Theo dự thảo, tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung hạn và dài hạn tối đa giảm từ 60% xuống còn 40%.
Đồng thời, hệ số rủi ro của các khoản phải đòi trong cho vay bất động sản được nâng từ mức 150% hiện nay lên mức 250%. Do vậy, VEPR cho rằng, sự thay đổi này có thể sẽ gây ra những khó khăn nhất định cho không chỉ các nhà đầu tư mà còn cả các bên tham gia thị trường bất động sản.
Các ngân hàng thương mại sẽ buộc phải khắt khe hơn trong việc cho vay lĩnh vực bất động sản do nguồn vốn cho vay sẽ hạn chế hơn. Dòng vốn hạn chế có thể sẽ gây ra khó khăn cho nhà đầu tư bất động sản trong việc tiếp cận vốn, trong khi nguồn huy động vốn hiện nay của thị trường bất động sản chủ yếu đến từ kênh tín dụng ngân hàng.
Cũng theo VEPR, dự thảo Thông tư 36 yêu cầu cao hơn về hệ số rủi ro tài sản sẽ tác động không nhỏ tới nhóm các nhà đầu tư mạo hiểm và các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính lớn, đặc biệt là các nhà đầu cơ.
Những yếu tố trên khiến cho thị trường bất động sản có dấu hiệu chững lại trong quý 1, trên cả hai thị trường chính là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Bằng chứng là giao dịch trên thị trường bất động sản dù vẫn tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với quý 4/2015, số căn hộ bán ra trong quý 1/2016 đã giảm.
Mới đây, theo báo cáo của Savills về thị trường bất động sản quý 1/2016 cho thấy, tổng nguồn cung sơ cấp tại thị trường Hà Nội đạt 16.270 căn, tăng nhẹ so với con số 16.000 căn cuối năm 2015. Tuy nhiên, số căn hộ bán ra trên thị trường chỉ đạt 5.600 căn, giảm 12,5% so với quý 4/2015 và đẩy tỷ lệ tiêu thụ xuống còn 34,4%, thấp nhất kể từ nửa cuối năm 2014 trở lại đây.
Tương tự, tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, quý 1/2016, lượng giao dịch chỉ đạt 6.300 căn, giảm tới 18,2% so với quý 4/2015, tỷ lệ hấp thụ giảm xuống còn 16,8%, đây là mức thấp nhất trong vòng nhiều quý trở lại đây.