Hà Nội không cấp phép trông xe dưới gầm cầu?
Hà Nội không cấp phép trông xe dưới gầm cầu?
Trong khi Hà Nội thiếu điểm đỗ xe thì những vị trí dưới mỗi gầm cầu đều trở thành nơi trông giữ phương tiện rất lý tưởng. Theo ghi nhận của phóng viên, hầu hết các gầm cầu trên địa bàn Hà Nội hiện nay, như cầu Vượt Ngã Tư Vọng, cầu vượt ngã tư Sở, cầu vượt Phạm Văn Đồng, Trần Quang Khải, Pháp Vân…đều biến thành bãi xe và luôn chật ních ô tô xe máy.
Đặc biệt, một số khu vực gầm cầu đang trở thành nơi chất chứa các phương tiện vi phạm giao thông. Xe để lâu ngày trở nên han gỉ như những đống sắt vụn. Điều này không chỉ gây lãng phí mà còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao. Thế nhưng khi phương tiện nhiều, chỗ gửi ít thì có được một xuất gửi xe dưới gầm cầu cũng là một mơ ước của nhiều người.
Tại một bãi gửi xe dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng, khi đặt vấn đề gửi xe theo tháng, một người trông giữ xe cho biết, hiện bãi giữ xe đã chật, nhưng vẫn có cách để có thể gửi được. Nghĩa là để có được một xuất vé tháng ở đây, ngoài mức giá chung thành phố quy định, người gửi buộc phải chi thêm tiền. Thực tế này đã trở nên khá phổ biến khi tình trạng người gửi xe quá nhiều mà bãi gửi xe lại quá ít.
Ngoài các phương tiện ô tô xe máy dựng không còn một chỗ trống, khu vực dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Sở còn là nơi tụ tập của quán nước, chẳng khác nào ở vỉa hè. Khu vực dưới gầm cầu này là lối thông duy nhất để các phương tiện đi từ đường Láng qua đường Trường Chinh. Quán nước mọc lên dưới gầm cầu, người người đông đúc ngồi la liệt, các phương tiện xe máy để bừa bãi dưới đường, giao thông bị ảnh hưởng, tai nạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Trước vấn đề an toàn giao thông, nguy cơ cháy nổ hiện hữu, nếu xảy ra không biết công tác cứu hộ sẽ phải triển khai như thế nào? Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Thế Thảo khẳng định: "Hà Nội không có chủ trương cấp phép thành lập các bãi đỗ xe ở khu vực dưới gầm cầu".
Ngoài ra, ông Thảo cũng tỏ ra không hài lòng vì phần diện tích dưới gầm cầu vượt, đường trên cao hiện nay lại không được sử dụng để phục vụ mục đích lưu thông, như vậy hiệu quả sẽ không cao.
“Nếu làm cầu vượt để phương tiện đi bên trên, nhưng phần diện tích bên dưới bị thu hẹp lại thì cũng chỉ làm giảm xung đột phương tiện chứ không tăng diện tích lưu thông. Xây cầu vượt nhưng phần diện tích dưới gầm cầu vẫn bảo toàn và lưu thông được mới hiệu quả. Nhật Bản và nhiều quốc gia khác cũng thiết kế cầu vượt có thể đi được cả trên và dưới” – Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo cho biết.
Trước thực tế đó người đứng đầu UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ GTVT khi xây dựng cầu vượt, các tuyến đường vành đai trên cao như đường vành đai 2, đương vành đai 3 cần thực hiện theo hướng tăng diện tích bên trên, mở rộng diện tích đường bên dưới để tăng phần diện tích lưu thông, như vậy mới mang lại hiệu quả cho giao thông đô thị.
Đối với loại hình cầu vượt tạm trên địa bàn Hà Nội hiện nay phần diện tích dưới gầm cầu cũng không được đưa vào sử dụng. Về vấn đề này, ông Thảo cho biết, cầu vượt tạm được xây dựng với mục đích giảm xung đột phương tiện tại các điểm ùn tắc ở các nút giao. Khi đi vào hoạt động cầu vượt nhẹ đã mang lại hiệu quả tích cực trong việc giảm ùn tắc giao thông.
Và chỉ là cầu vượt tạm nên nếu hết ùn tắc, những cây cầu này có thể phá bỏ đi bất cứ lúc nào để trả lại nguyên trạng hạ tầng giao thông như trước đó.
Bãi trông giữ xe máy dưới gầm cầu vượt Ngã Tư Vọng |
Khu vực gầm cầu vượt Ngã Tư Sở cũng chẳng kém cạnh. Nguy cơ cháy nổ luôn hiện hữu dưới khu vực dưới gầm cầu. |
Gầm cầu trở thành bãi trông giữ ô tô. |
Nhiều quán trà đá mọc lên dưới gầm cầu, tai nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào |
Dưới gầm cầu vượt tạm cũng không được đưa vào sử dụng. Nhiều người đi bộ không qua cầu vượt gần đó mà đi cắt đường, xuyên qua gầm cầu cũng gây mất an toàn |
Gầm cầu đường vành đai ba còn dở dang nên chưa bị tận dụng. |
Nguyễn Dũng