Hà Nội "bội thực" căn hộ chung cư
Hà Nội "bội thực" căn hộ chung cư
Theo đó, ước tính sẽ có 67 dự án sẽ gia nhập vào thị trường trong khoảng 3 năm tới, trên 20 dự án xác định với khoảng 22.000 căn hộ có thể được mở bán trong năm 2012. Đây là một nguồn cung khổng lồ cho phân khúc thị trường căn hộ chung cư hiện nay, đúng như lời cảnh báo của nhiều chuyên gia bất động sản về nguy cơ “bội thực” căn hộ tại Hà Nội.
Theo khảo sát của PV, tại Khu đô thị Bắc An Khánh (Hoài Đức) đang triển khai xây dựng để tung ra 10.000 căn hộ dành cho người thu nhập thấp. Dọc Đại lộ Thăng Long hàng loạt “siêu” dự án hai bên đường như các khu đô thị mới Tây Mỗ - Đại Mỗ; Geleximco, Nam An Khánh, Vân Canh; CEO Quốc Oai, Splendora… đều đang được các chủ đầu tư khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để cung ứng chung cư ra thị trường.
Từ đường Lê Văn Lương kéo dài đến đường vành đai 4, hàng loạt các dự án khu đô thị lớn như: Trung Hòa - Nhân Chính, khu đô thị mới Phùng Khoang, Vạn Phúc, Văn Khê, Dương Nội, An Hưng, Park City, Mỗ Lao… có hàng chục dự án đô thị mới, với hàng trăm tòa cao ốc có nhiều tên gọi hoành tráng khác nhau. Hay như, chỉ một đoạn đường từ cầu vượt Ngã Tư Sở đến Cầu Trắng (Hà Đông) chưa đầy 4km đã có đến 12 dự án chung cư và trung tâm thương mại đang được triển khai xây dựng như: Chung cư Westa, Khu nhà ở và dịch vụ thương mại Nàng Hương (583 Nguyễn Trãi), Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê Khu đô thị mới Mỗ Lao... Ngoài ra, những khu đất của Công ty Giày Thượng Đình, Công ty Xà phòng Hà Nội, Nhà máy Thuốc lá Thăng Long... cũng rục rịch tính chuyện chuyển đổi thành khu căn hộ.
Ngoài ra, còn phải kể đến các dự án “khủng” đang gấp rút triển khai để tung ra thị trường căn hộ chung cư cao cấp như: Indochina Plaza Hanoi, Mipec Tower, Hoàng Thành Tower, Royal City, JW Marriott, Madarin Garden…
Theo thống kê của Công ty TNHH CBRE Việt Nam tỷ lệ bán căn hộ thành công tại Hà Nội năm qua giảm đáng kể so với các năm trước, chỉ đạt 45% và hệ quả số căn hộ chung cư tồn đọng trên thị trường hiện nay khá lớn, cung vượt xa cầu dẫn đến “bội thực”.
Ông Marc Townsend – Tổng Giám đốc điều hành Công ty TNHH CBRE Việt Nam cho rằng, nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn còn cao, thì thị trường căn hộ Hà Nội chứng kiến giá thứ cấp tăng trong 3 năm qua. Ngoài ra, chất lượng sống tại các tòa nhà căn hộ ở Hà Nội ngày càng đi xuống và chi phí dịch vụ đắt đỏ, dẫn đến mâu thuẫn giữa người dân và chủ đầu tư ngày càng tăng, khiến những người có nhu cầu mua căn hộ chung cư không mặn mà lắm. Và thời gian tới mức giá nhà ở tại Hà Nội sẽ chững lại và đi ngang, tương đồng với xu hướng tại TP. HCM trong vài năm trở lại đây.
Cùng quan điểm này, ông Đặng Minh Trường - Giám đốc Công ty CP BĐS Hà Nội cho hay, thời gian gần đây nhiều người càng tỏ ra lo ngại khi mua nhà chung cư vì ngày càng phát sinh nhiều chi phí, chưa kể vấn đề chất lượng, dịch vụ quản lý, hạ tầng thiếu đồng bộ và mất cân đối do chủ đầu tư không đầu tư đầy đủ. Chính vì thế, căn hộ chung cư mặc dù có giảm nhưng giá cả vẫn ở mức cao, giao dịch đã giảm đến 60 - 70%. Nhiều khu vực hầu như không có giao dịch, khách hỏi chủ yếu chỉ để tham khảo thị trường.
Khá nhiều văn phòng môi giới nhà đất các khu vực đã đóng cửa. Ngay tại khu vực gần Hà Đông, Từ Liêm vào thời điểm cơn sốt đất nhiều văn phòng môi giới mọc lên nhan nhản, mỗi văn phòng thường có khoảng 4-5 người làm việc thì tại thời điểm này một số đã đóng cửa. Anh Nguyễn Văn Bình, chủ một văn phòng môi giới vừa “giải nghệ” cho biết: Trước đây mỗi ngày đưa đón khoảng 5 khách xem nhà cửa, chung cư. Mỗi tháng chỉ cần 2 - 3 giao dịch thành công là đã đút túi mấy chục triệu đồng. Tuy vậy, từ đầu năm đến nay văn phòng của anh buộc phải tạm dừng hoạt động vì nhà đất khu vực này chững lại.
Nhiều người có nhu cầu mua chung cư để ở lại rơi vào mối lo tiến độ giao nhà thường là chậm so với cam kết, trong thời buổi BĐS đói vốn như hiện nay thì chắc chắn tốc độ còn chậm hơn nhiều. Trong khi chung cư đã hoàn thiện giá bán vẫn còn quá cao so với thu nhập trung bình của người dân.
Nguyễn Hiếu