Hà Nội: Bêu tên 79 dự án chung cư cố tình vi phạm PCCC, đưa dân vào ở
Trên địa bàn thành phố Hà Nội có gần 800 công trình nhà chung cư cao tầng, theo kết quả rà soát, thống kê của Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) TP Hà Nội, tính đến ngày 31/5, trên địa bàn còn 79 công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng.
Trong đó, có 78 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, 1 công trình đã thi công nhưng chưa được thẩm duyệt về PCCC, đó là Tòa nhà HH1 ở Phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm do Công ty Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Alaska làm chủ đầu tư.
Nhiều chủ đầu tư dự án chung cư ở Hà Nội cố tình không thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy nên bị Cảnh sát PCCC Hà Nội công khai danh tính. |
Đáng nói, theo danh sách 79 công trình vi phạm về PCCC thì các công trình vi phạm trải đều từ chung cư cao cấp tới giá rẻ.
Cụ thể, tại quận Đống Đa, Công ty CP cơ điện và xây dựng Việt Nam (Meco) bị chỉ đích danh với tổ hợp HH1 (102 Trường Chinh) vi phạm quy định. Dự án nhà ở và văn phòng tại 102 Trường Chinh do Meco làm chủ đầu tư có tổng diện tích 2,3 ha gồm 2 toà nhà chung cư HH1 và HH2 (500 căn hộ), 1 toà nhà văn phòng, khu nhà biệt thự... với tổng mức đầu tư 1.200 tỷ đồng. Dự án đã được bàn giao, hoạt động từ 2-3 năm nay.
Một công trình khác từng có nhiều tai tiếng về sai phạm như Sakura Tower (47 Vũ Trọng Phụng, quận Thanh Xuân) cũng thuộc danh sách vi phạm quy định PCCC. Tổ hợp căn hộ, văn phòng, thương mại Sakura Tower do Công ty CP Hùng Tiến Kim Sơn làm chủ đầu tư và Công ty CP Đầu tư và phát triển hạ tầng Vinaconex - Alphanam thi công. Công trình được hoàn thiện, bàn giao và vận hành từ năm 2011 đến nay nhưng vẫn chưa đảm bảo về PCCC.
Hàng loạt các dự án tên tuổi khác ở quận Thanh Xuân như: Dự án Tòa nhà Handico 6 (Diamond Flower Tower) ở đường Lê Văn Lương do Công ty CP đầu tư phát triển nhà số 6 Hà Nội làm chủ đầu tư; Tòa nhà Golden West ở Lê Văn Thiêm do Công ty CP phát triển thương mại Việt Nam làm chủ đầu tư, Nhà ở kinh doanh kết hợp dịch vụ thương mại (Times Tower) ở đường Lê Văn Lương do Công ty cổ phần xây dựng số 1 Hà Nội làm chủ đầu tư; Trung tâm thương mại, văn phòng và căn hộ Artemis ở số 3 Lê Trọng Tấn do Công ty cổ phần ACC Thăng Long làm chủ đầu tư…
Hàng loạt “chung cư ông Thản” nằm trong danh sách vi phạm
Trên các địa bàn huyện Thanh Trì, quận Hoàng Mai, quận Hà Đông đều ghi nhận công trình nhà ở của Doanh nghiệp tư nhân xây dựng số 1 tỉnh Điện Biên làm chủ đầu tư đều chưa đảm bảo an toàn PCCC nhưng đã đưa người dân vào sinh sống. Trong tổng số 79 công trình thì số công trình của dự án ông Thản chiếm đến 13 dự án.
Cụ thể: Tòa nhà CT5 Tân Triều, CT8 Tả Thanh Oai, CT10 Tả Thanh Oai (huyện Thanh Trì); CT11 Kim Văn – Kim Lũ, VP3, VP5, VP6 Linh Đàm (quận Hoàng Mai); CT1, CT2, CT3, Trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp, CT4, CT6 Xa La (quận Hà Đông).
Cùng với đó, nhiều công trình cao tầng do doanh nghiệp họ Sông Đà phát triển, đầu tư cũng bị chỉ rõ vi phạm về PCCC. Đơn cử, CT2 Văn Khê (thuộc KĐT Văn Khê, quận Hà Đông) do Công ty CP Sông Đà 6 làm chủ đầu tư; công trình nhà ở xã hội 143 Trần Phú (quận Hà Đông) do Công ty CP Đầu tư xây dựng & phát triển đô thị Sông Đà làm chủ đầu tư; CT4 Văn Khê (Sông Đà 1)...
Ngoài ra, danh sách vi phạm còn nhắc tới Tòa nhà New Skyline ở khu đô thị Văn Quán (Hà Đông) của HUD; Tòa nhà CT02 AB ở Đan Phượng và Tháp CT3 và khu vực khối đế Tòa nhà chung cư The Pride ở Hà Đông của Công ty CP đầu tư Hải Phát; Tháp T2 và khối đế tháp T1 Tòa nhà Thăng Long Victory ở Hoài Đức của Công ty CP đầu tư phát triển khu đô thị Phúc Hà; Tòa nhà SME Hoàng Gia ở Hà Đông của Công ty Cổ phần tập đoàn BĐS Hoàng Gia; Tòa nhà FLC Complex ở 36 Phạm Hùng (Nam Từ Liêm)….