Hà Giang: Nhiều sản phẩm OCOP đạt chất lượng cao GMP, VietGap, hữu cơ, ISO
Tất cả các sản phẩm được chứng nhận OCOP của Hà Giang đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trở lên, nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, để tạo ra sản phẩm chất lượng cao như GMP, VietGap, Hữu cơ, ISO...
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2018-2020 đã đạt được một số kết quả như hội đồng đánh giá cấp tỉnh đã tổ chức đánh giá sản phẩm OCOP và đề nghị UBND tỉnh phê duyệt công nhận được 118 sản phẩm OCOP đạt 3,4 sao cấp tỉnh, 2 sản phẩm đề xuất Trung ương đánh giá phân hạng sản phẩm 5 sao của 63 chủ thể OCOP (gồm 9 Doanh nghiệp, 46 HTX, 8 hộ gia đình) trên địa bàn trong tỉnh.
Các sản phẩm thuộc 6 nhóm ngành là thực phẩm (104 sản phẩm), đồ uống (10 sản phẩm), thảo dược (1 sản phẩm), thủ công mỹ nghệ (1 sản phẩm), vải, may mặc (3 sản phẩm), dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch (1 sản phẩm).
Trong đó, 2 sản phẩm trà xanh hộp 100g; hồng trà hộp 100g thuộc nhóm thực phẩm đề xuất Trung ương công nhận 5 sao; 36 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 82 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đáng lưu ý là tất cả các sản phẩm được chứng nhận OCOP đều đạt yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm trở lên, nhiều sản phẩm áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, để tạo ra sản phẩm chất lượng cao như GMP, VietGap, Hữu cơ, ISO...
Chương trình OCOP quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân Hà Giang |
Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Giang đánh giá, chương trình OCOP đã tạo ra cơ hội để nông dân liên kết, xây dựng hợp tác để sản xuất ra sản phẩm, quan trọng hơn cả sản phẩm OCOP đã góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), tiếp sức tích cực cho phong trào xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, góp phần tạo việc làm, thúc đẩy phát triển kinh tế của hộ gia đình nông thôn, vùng đồng bào DTTS; phát huy vai trò của phụ nữ nông thôn, đúng với mục tiêu mà Chính phủ hướng tới trong phát triển kinh tế, xã hội là phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Chương trình OCOP ngoài mục đích phát triển kinh tế, còn có ý nghĩa trong giải quyết nhiều vấn đề quan trọng ở khu vực nông thôn như: giảm nghèo, giải quyết việc làm, an sinh xã hội, môi trường, phát huy trí tuệ sáng tạo, niềm tự hào của người dân và hình thành các tổ chức liên kết kinh tế cộng đồng bền vững.
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng lực sản xuất hàng hóa và kiến thức tiếp cận thị trường; Phát huy nguồn lực cộng đồng về tri thức quản trị, các giá trị văn hóa truyền thống, lối sống của cư dân nông thôn, công nghệ, nguyên liệu địa phương và sự tham gia giám sát của cộng đồng.
Kết quả thực hiện Chương trình đã có một số chủ thể tiêu biểu điển hình như: Hợp tác xã du lịch cộng đồng và dịch vụ tổng hợp thôn Nậm Hồng xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì là điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước, bởi nơi đây có phong cảnh hùng vĩ, hữu tình với những thửa ruộng bậc thang trải dài trên các sườn đồi, cùng những nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Dao. Từ năm 2015, nhiều hộ gia đình trong thôn bắt đầu làm dịch vụ lưu trú cho du khách đến tham quan, trải nghiệm. Năm 2019, Hợp tác xã được xã Thông Nguyên chọn tham gia chương trình OCOP, được tỉnh đánh giá xếp hạng 4 sao.
Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, Thôn Làng Giang, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang là cơ sở chế biến chè Shan Tuyết đã đầu tư máy móc thiết bị hiện đại để chế biến một số dòng sản phẩm chè cao cấp.
Hợp tác xã Dịch vụ Nông Lâm Nghiệp tổng hợp Ngọc Sơn với dây chuyền chế biến củ nghệ tươi tại địa phương thành nhiều dòng sản phẩm giúp gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương, mang lại nguồn thu cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn.
Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Tả Lủng với 3.000 đàn ong đã mang lại nguồn thu ổn định cho các hộ gia đình nuôi ong trên địa bàn huyện Mèo Vạc.
Hợp tác xã Cộng đồng Nặm Đăm tại thôn Nặm Đăm xã Quản Bạ huyện Quản Bạ đã đưa các bài thuốc dân gian của người Dao trên địa bàn chế biến thành những sản phẩm hữu ích phục vụ rất tốt cho người dân và đặc biệt là khách du lịch, làm gia tăng giá trị sử dụng cũng như mang lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng người dân tộc Dao trên địa bàn.
Thảo Nguyên