GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: Lãnh đạo trẻ phải mạnh dạn đổi mới!
Việc hàng loạt cán bộ trẻ được bầu hoặc bổ nhiệm vào các chức vụ quan trọng thời gian gần đây đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của công chúng. Vậy, cán bộ trẻ sẽ gặp khó khăn gì trong quá trình công tác và họ sẽ phải làm gì để khẳng định bản thân?
PV Infonet đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội xung quanh vấn đề này.
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết: “Lãnh đạo trẻ phải có thực tâm, thực tài và bản lĩnh”. |
Thưa ông, trước việc một loạt các cán bộ trẻ vừa được bầu hoặc bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đạo vừa qua, ông có nhận xét, đánh giá gì?
Theo tôi, bồi dưỡng những người trẻ tuổi để tiếp nối các thế hệ đi trước, trong đó có việc bầu hoặc bổ nhiệm một số đồng chí vào các cương vị lãnh đạo là điều đáng hoan nghênh. Trong số cán bộ trẻ mới được bầu (bổ nhiệm) có những trường hợp đã qua nhiều thử thách và xứng đáng với trọng trách như đồng chí Võ Văn Thưởng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP. HCM.
Vấn đề đặt ra là cách bầu (bổ nhiệm) như thế nào để người dân “tâm phục, khẩu phục” và người được bầu (bổ nhiệm) thực sự có tác dụng với sự phát triển của đất nước, của địa phương. Muốn vậy, phải chọn được người đã thể hiện được năng lực của mình trong quá trình đảm nhiệm các chức vụ từ cấp dưới lên trên. Đồng thời, tùy chức vụ, phải có tranh cử hoặc thi tuyển. Kết quả tranh cử (thi tuyển) sẽ thuyết phục được người dân, đồng thời sẽ chọn được những cán bộ có tác dụng rõ rệt đối với sự phát triển của đất nước, của địa phương.
Dư luận hiện có 2 luồng quan điểm về các vị lãnh đạo trẻ này, nhưng đa số cho rằng việc có lãnh đạo trẻ tuổi, học vấn tốt, trình độ cao sẽ tạo ra những thay đổi đột phá cho địa phương. Ông có đồng tình với quan điểm đó không?
Bên cạnh yêu cầu có trình độ học vấn, điều quan trọng hơn đối với người cán bộ lãnh đạo là phải có cái tâm, có hiểu biết thực tế, bộc lộ được tài năng trong thực tế và được lựa chọn qua cạnh tranh.
Nếu bổ nhiệm theo công thức “thứ nhất hậu duệ, thứ nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ” thì rõ ràng sẽ không chọn được người tốt.
Ở nhiều nước phương Tây, không hiếm trường hợp mấy thế hệ kế tiếp nhau làm lãnh đạo quốc gia. Ở các tập đoàn, công ty tư nhân thì con nối nghiệp cha là chuyện bình thường. Có điều, những người này thăng tiến không phải bằng thế của ông cha mà bằng bầu cử dân chủ, công khai, bằng thực tài, nên người dân không có chuyện băn khoăn.
Còn ở nước ta, không có chuyện tranh cử, lại thêm ảnh hưởng phong kiến “cha truyền con nối” và ảnh hưởng của những tiêu cực, nên thực sự có trường hợp lên làm lãnh đạo gần đây không thuyết phục được người dân. Đặc biệt, có trường hợp còn vi phạm cả chính tiêu chuẩn do Nhà nước mình đề ra, như thế, người dân rất khó chấp nhận.
Tôi nghĩ, một gia đình bố là bác sĩ mà con nối nghề bác sĩ, bố là họa sỹ mà con nối nghề họa sỹ hay bố là nhà hoạt động chính trị, con cũng là nhà hoạt động chính trị… thì tốt, bởi người con có thể tiếp thu được kinh nghiệm của người cha. Người dân không phàn nàn chuyện này. Điều người dân đòi hỏi là người được bầu (bổ nhiệm) phải có thực tâm, thực tài, còn nếu không thì chỉ làm hỏng công việc và làm cho dân chán với nếp “con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”.
Tóm lại, cán bộ phải có tâm, có tài và phải qua quá trình rèn luyện, đáp ứng được các tiêu chuẩn thì mới bổ nhiệm, chứ không thể vội vàng được.
Vậy theo ông, lãnh đạo trẻ ở Việt Nam sẽ gặp những khó khăn gì trong quá trình công tác?
Tôi cho rằng, cán bộ trẻ sẽ gặp những khó khăn nhất định, nhất là khi kinh nghiệm chưa nhiều, thử thách chưa nhiều.
Kinh nghiệm chưa nhiều cũng có cái lợi là giúp người ta không làm theo thói quen, sẽ có những sáng tạo, nhưng thông thường cán bộ lãnh đạo cần phải từng trải. Có từng trải mới thạo việc, nhưng điều đáng nói nhất là có từng trải mới biết thương dân, thương anh em cấp dưới hơn.
Ngoài ra, do tâm lý của người Việt Nam ta thường chưa tin cậy ngay vào người trẻ, cán bộ trẻ cũng gặp khó khăn. Vì thế, cán bộ trẻ cần thuyết phục mọi người bằng bản lĩnh, trí tuệ và cái tâm của mình.
Cán bộ trẻ nên làm gì để khẳng định bản thân mình, thưa ông?
Như tôi đã nói, cán bộ nào cũng cần phải có cái tâm, cán bộ trẻ càng cần có điều này. Thứ hai phải bám sát thực tế để khắc phục nhược điểm chưa có kinh nghiệm thực tế nhiều.
Thứ ba, tuy không để mình lệ thuộc vào các “thái thượng hoàng không ngai” nhưng cán bộ trẻ phải tranh thủ được ý kiến của những người đi trước để học hỏi được kinh nghiệm, tâm huyết của các bậc cha anh.
Cuối cùng, đã trẻ thì phải mạnh dạn đổi mới, chứ chỉ vì mong muốn lên cao nữa mà cấp trên muốn thế nào mình cũng uốn theo thì rõ ràng là không phát huy được ưu thế của người trẻ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
GS.TS Nguyễn Minh Thuyết là giảng viên cao cấp thuộc Khoa Ngôn ngữ học của ĐH KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội từ năm 1990 - 2003; là ĐBQH các khóa XI, XII của Đoàn ĐBQH tỉnh Lạng Sơn, từng giữ cương vị Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho đến khi nghỉ hưu. Ông nổi tiếng là người trực ngôn với các chất vấn gai góc trên diễn đàn Quốc hội.