GS. Phong Lê: Nam Cao tạo ra những “tuyên ngôn bình dân” sâu sắc
Tọa đàm giao lưu với GS. Phong Lê về chủ đề “Nam Cao - sự nghiệp và chân dung” vừa được Nhà xuất bản Thông tin & Truyền thông tổ chức chiều 13/9/2015 tại Hà Nội, trong khuôn khổ Triển lãm – Hội chợ Sách Quốc tế - Việt Nam năm 2015.
GS. Phong Lê chia sẻ những thông tin thú vị về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn Nam Cao. Ảnh: B.M |
“Nam Cao - Sự nghiệp và chân dung” là tập hợp các công trình nghiên cứu trong suốt hơn nửa thế kỷ của GS. Phong Lê và đồng nghiệp về cuộc đời và sự nghiệp của Nam Cao. Các bài viết tập trung đi sâu vào việc tìm tòi, phân tích và gợi mở những cái hay, cái đẹp và sự riêng biệt nổi bật lên trong các tác phẩm của Nam Cao, đặc biệt là sự thành công ở thể loại truyện ngắn.
Mỗi bài viết là một nét vẽ, tuy rất riêng nhưng vẫn hòa điệu tạo nên bức tranh toàn diện và sinh động nhất về chân dung một nhà văn lớn.
Cuốn sách còn có danh mục cuộc đời và các tác phẩm trong suốt sự nghiệp của Nam Cao, để những người nghiên cứu, yêu mến tìm hiểu dễ dàng tra cứu và nhận biết một cách chính xác các tư liệu về tác giả, tác phẩm.
Cuốn sách được Nhà xuất bản Thông tin & Truyền thông ra mắt độc giả trên cả nước nhân dịp kỷ niệm 100 năm năm sinh của nhà văn Nam Cao (1915 - 2015).
Cuốn sách được bán với giá 95.000 đồng. Ảnh: B.M |
Với 342 trang sách, nội dung của “Nam Cao - Sự nghiệp và chân dung” được chia thành 6 phần: Tác phẩm và Sự nghiệp, Chuyện đời và chuyện nghề, Nam Cao sau khoảng lùi hơn nửa thế kỷ, Sêkhốp và Nam Cao nhìn từ hai nền văn học, Tưởng niệm và hồi nhớ (với những bài viết của Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi Tô Hoài,...), Về Hòa Hậu thăm Nam Cao. Sách được bán với giá 95.000 đồng/cuốn.
Tại buổi Tọa đàm chiều 13/9, GS. Phong Lê, nguyên Viện trưởng Viện Văn học kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn học đã chia sẻ rất nhiều thông tin thú vị về Nam Cao, một trong những cây bút xuất sắc của dòng văn học hiện thực phê phán những năm 30, 40 của thế kỷ XX.
Theo đó, thời gian đầu lúc mới cầm bút, Nam Cao chịu ảnh hưởng của văn học lãng mạn đương thời. Dần dần nhận ra thứ văn chương đó xa lạ với đời sống lầm than của người lao động, ông đã đoạn tuyệt với nó và tìm đến cái gọi là hiện thực. Càng dấn thân, Nam Cao càng nhận thức sâu sắc hơn, nghệ thuật phải gắn bó với đời sống, nhìn thẳng vào sự thật "tàn nhẫn", phải nói lên nỗi khốn khổ, cùng quẫn của nhân dân và vì họ mà lên tiếng. Đó là điều mà Nam Cao suốt đời theo đuổi.
Quan niệm “Nghệ thuật vị nhân sinh” (nghệ thuật phải viết về con người và hướng đến những điều tốt đẹp của con người) là nét độc đáo, nổi bật và mạnh mẽ nhất trong văn của Nam Cao.
Cũng theo GS. Phong Lê, Nam Cao đã viết nên những tác phẩm văn học có giá trị, tạo ra những “tuyên ngôn bình dân” sâu sắc, và có nhiều đóng góp quan trọng đối với việc hoàn thiện truyện ngắn và tiểu thuyết Việt Nam trên quá trình hiện đại hóa thời trước.
“Nam Cao được định vị là người đã đưa lên đỉnh cao và kết thúc vẻ vang trào lưu hiện thực trong văn học Việt Nam”, GS. Phong Lê nhận định.