GS Đặng Hùng Võ: Quy hoạch Hà Nội đã bị "băm quá nát"
GS Đặng Hùng Võ |
Hà Nội bỗng chốc trông "không ra sao"
Hồi khứ lịch sử, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho biết, kể từ khi Hà Nội "phát triển", đặc biệt là khi xuất hiện "mấy nhà cao tầng kiểu Tây" như nhà hàng Cá Mập ở Bờ Hồ hay trước đó là sự xuất hiện Hà Nội Tower, khách sạn Melia… đã biến Hà Nội cũ đang đẹp bỗng chốc trông “không ra làm sao”.
“Gần đây thì ngoài biểu hiện sự lạc lõng về mặt kiến trúc còn có biểu hiện về mất cân đối dân cư. Tức là cứ có đất trống là "trồng" nhà chung cư lên đó, thậm chí không đủ điều kiện về môi trường, hạ tầng vẫn cứ xây làm cho những khu đó trở nên rất chật chội về mặt quy hoạch.
Hay một cụm từ khác được giới chuyên môn gọi “sức tải của không gian bị quá” – không tải nổi với khối lượng người lớn như vậy”- GS Đặng Hùng Võ nói.
GS Võ khẳng định, Hà Nội từ xưa đến nay đều có quy hoạch nhưng quy hoạch ấy bị điều chỉnh (phá vỡ) thường xuyên theo nhu cầu của nhà đầu tư. Chính vì vậy mới xảy ra tình trạng lúc đầu tòa này, khu vực này chỉ được quy hoạch xây các toà nhà dưới 10 tầng, nhưng về sau được cấp phép 20 tầng thậm chí lên 30 tầng…
“Tất cả những cái đó khiến không giữ được nguyên trạng quy hoạch ban đầu với những ý tưởng đẹp đẽ. Nó bị điều chỉnh liên tục. Hệ quả là tình trạng lạc lõng kiến trúc, mất cân đối về sức tải về không gian (dân cư quá lớn, hạ tầng không chịu được, vấn đề môi trường không được giải quyết, kể cả chuyện quản lý dân cư với số lượng lớn, quản lý không tốt dẫn đến tình trạng mất an toàn, an ninh). Đấy là thực trạng của Hà Nội hiện nay, đặc biệt là tình trạng tắc đường”- GS Đặng Hùng Võ nói.
Theo đó, đường Lê Văn Lương kéo dài luôn luôn chật ních người, hay từ khu vực Mỹ Đình trở vào, Láng Hạ trở ra liên tục tắc nghẽn tại những giờ cao điểm. Hay KĐT Linh Đàm, quy hoạch ban đầu là xây dựng khu phố vườn có cây xanh, nhà thấp tầng nhưng bây giờ hàng loạt chung cư 40 tầng mọc lên ở đó. KĐT Linh Đàm ngày xưa dựa vào hồ Linh Đàm với bán đảo rất đẹp cộng với ý tưởng kiến trúc hay nhưng giờ nó đảo lộn hết tất cả.
GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, câu chuyện tắc đường ở Hà Nội nguyên nhân chủ yếu là do chất tải của dân cư quá lớn so với sức chịu tải của hạ tầng. Ngoài ra, theo như chủ tịch Hà Nội thì nhiều cơ quan TƯ đã di dời ra khỏi khu vực nội đô nhưng vẫn bám đất cũ.
“Hiện Hà Nội đang thay đổi thông qua việc điều chỉnh quy hoạch quá nặng. Mà việc điều chỉnh quy hoạch ở đây không phải vì lợi ích của Thành phố mà thuần túy của chủ đầu tư của các dự án.
Tôi được biết, tiếp tục nhiều nhà đầu tư lớn đang có tính toán riêng về câu chuyện lấp vào những khoảng đất vàng trước đây sử dụng vào mục đích khác trong thời kỳ bao cấp để bây giờ chuyển sang kiển trúc hiện đại. Đó chính là bi kịch của phát triển Hà Nội hiện nay”- GS Đặng Hùng Võ buồn bã nói.
Công khai quy hoạch để dân giám sát
Đưa ra giải pháp nhằm ngăn ngừa tình trạng “băm nát quy hoạch” hiện nay, GS Đặng Hùng Võ cho rằng, cần phải rà soát thậm chí tính toán kỹ lưỡng sao cho kiến trúc phù hợp với những tòa chung cư có số tầng, mật độ dân cư phù hợp, hạ tầng không chỉ là đường xá điện nước mà còn là cả vấn đề môi trường, xã hội, trường học chuẩn để ra một quy hoạch chi tiết cố định cho Hà Nội.
Quy hoạch ấy chỉ được điều chỉnh khi thực sự cần thiết, khi ảnh hưởng đến đất nước, đến Thành phố chứ đừng nghe nhà đầu tư thỉnh cầu “cái này, cái kia” mà điều chỉnh. Khi ra được quy hoạch chi tiết rồi thì hãy tôn trọng, giữ, quản lý nó chứ đừng nghĩ đến việc thay đổi ở những nhiệm kỳ tiếp theo.
“Tôi tin rằng chúng ta làm được và đã làm được. Chỉ có "bệnh" của chúng ta là hay điều chỉnh chứ cái gốc là làm quy hoạch tốt, chứ không phải không tốt”- GS Đặng Hùng Võ nói.
Ngoài ra, theo GS Đặng Hùng Võ thì quy hoạch đó phải mở, công khai hoàn toàn để người dân biết, hiểu và tham gia giám sát. Đây là điều kiện quan trọng vì không có cơ quan nhà nước nào có thể kiểm tra hết được mà chỉ khi có sự tham gia giám sát của người dân thì mới thấy chỗ nào sai, trái hay không đúng.
Để làm được điều này, GS Võ cho rằng đó là câu chuyện quản lý thực thi- liên quan đến con người. Theo đó, một bộ máy dựa trên thân hữu phải loại bỏ, tạo lập bộ máy kỷ cương hành chính.
Phải gạt bỏ nền hành chính dựa trên thân hữu thì chúng ta mới có thể loại bỏ rác rưởi trong quy hoạch, GS. Đặng Hùng Võ khẳng định.