Góp ý văn kiện Đại hội Đảng 12: Cần hoàn thành cắm mốc với các nước láng giềng
Theo đó, đã có 186 đại biểu phát biểu với 203 lượt góp ý, 582 ý kiến, trong đó có 531 ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo chính trị và 51 ý kiến góp ý dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Các đại biểu nghe báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý văn kiện trình Đại hội Đảng. |
Tổng hợp của Ban thư ký cho thấy hầu hết ý kiến đại biểu thể hiện sự nhất trí cao với nội dung dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 12 và đánh giá cao việc Trung ương nghiêm túc nhìn nhận thẳng thắn các yếu kém, nguyên nhân trong nhiệm kỳ qua, đề ra mục tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm có tính hành động cao để phát triển đất nước trong thời gian tới.
Đánh giá tổng quát kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng, có ý kiến cho rằng ngoài đánh giá những thành tựu đã đạt được nhưng cũng cần xác định rõ hơn nguyên nhân hạn chế do công tác quản lý của các bộ, ngành Trung ương.
Nhìn lại những thành tựu sau 30 năm đổi mới (1986 - 2016), hầu hết ý kiến thống nhất cao với 5 bài học được đúc kết trong dự thảo Báo cáo chính trị tuy nhiên có đại biểu đề nghị nhấn mạnh hơn, sắc sâu hơn bài học “Dân là gốc”, phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, mọi hoạt động phải xuất phát từ lợi ích của Nhân dân, dựa vào Dân.
Trong phần góp ý vào mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong giai đoạn 2015 – 2020, có ý kiến đề nghị xem lại có nguy cơ “chệch hướng” hay không và đề nghị bổ sung dự báo đầy đủ hơn tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt là tình hình thị trường tiền tệ, tài chính thế giới, sức cạnh tranh của nền kinh tế khi hội nhập hoàn toàn vào WTO và tham gia TPP.
Đại biểu cũng đề nghị giải thích rõ thêm nguyên nhân chưa đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội 10 và Nghị quyết Đại hội 11 đề ra và xác định mục tiêu tổng quát trong dự thảo Văn kiện trình Đại hội 12 của Đảng “xây dựng nền tảng để sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.
Về các chỉ tiêu chủ yếu, đại biểu cho rằng các chỉ tiêu còn định tính, thiếu định lượng; một số chỉ tiêu chưa rõ như các yếu tố năng suất tổng hợp TFP, hay tỷ lệ đô thị hóa theo chiến lược phát triển kinh tế phải đạt 40% nhưng trong dự thảo Báo cáo chính trị chỉ dừng lại ở mức 35%; đề nghị điều chỉnh mức tăng trưởng từ 7,5% đến 8% năm mới đảm bảo thoát “bẫy thu nhập trung bình”.
Về giáo dục - đào tạo, nhiều đại biểu cho rằng chương trình đào tạo các bậc học phải thiết thực, nhẹ nhàng, khơi được tính sáng tạo của người học, chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống để xây dựng con người Việt Nam hiện đại, nhất là giáo dục tiểu học. Trong đào tạo bậc đại học nên đi vào thực hành nhiều hơn.
Trong nông nghiệp, có ý kiến cho rằng đây là nền tảng kinh tế của nước ta, tuy nhiên cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp còn nhiều bất cập, nhất là đối với xuất khẩu nông sản, chưa có chiến lược phát triển vùng nguyên liệu.
Về văn hóa - xã hội, có ý kiến cho rằng lĩnh vực phát triển con người còn chưa tương xứng với hội nhập và phát triển đất nước. Do vậy cần quan tâm giáo dục nhân cách gắn với xây dựng con người mới có phẩm chất, yêu lao động và phát triển toàn diện.
Về quốc phòng an ninh, nhiều quan điểm đề nghị đánh giá sâu hơn công tác đầu tư, các nguồn lực trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Đại biểu cũng cho rằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị ở các khu vực biên giới chưa mạnh so với các nước.
Liên quan đến vấn đề biên giới, đại biểu cho rằng cần sớm hoàn thành công tác cắm cột mốc biên giới giữa Việt Nam với các nước, tôn tạo cột mốc biên giới giữa Việt Nam và Lào; hoàn thành đường tuần tra biên giới; đầu tư trang bị phương tiện hiện đại hơn cho lực lượng vũ trang.
Về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, có ý kiến cho rằng báo cáo đánh giá tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên bước đầu được ngăn chặn, nhưng chưa bị đẩy lùi là chưa đúng thực tế, chưa tìm ra được "một bộ phận không nhỏ".
Đại biểu cũng đề nghị bổ sung đánh giá về ý thức tự phê bình và phê bình trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là chưa cao, biểu hiện qua tình trạng tham nhũng ngày càng tinh vi làm kìm hãm sự phát triển của đất nước.
Về sáu nhiệm vụ trọng tâm, một số ý kiến cho rằng còn dàn trải, cần xác định nhiệm vụ trọng tâm hơn vào các nội dung về giữ vững độc lập chủ quyền của đất nước; huy động tổng lực các nguồn vốn xã hội đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đô thị, kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm của đất nước.