Gói 30.000 tỷ đồng vẫn “mắc”... ở phường
Ngày 17/6, UBND TP.HCM đã tổ chức họp lại với đại diện các cơ quan ban ngành và các DN bất động sản (BĐS) để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS. Theo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiệm vụ trong năm 2014 và 2015 của TP.HCM là tập trung tháo gỡ cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, vấn đề hiện nay là làm sao người dân tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng để mua nhà, trong đó cần phải đẩy mạnh gói tín dụng 30.000 tỷ đồng để những người có thu nhập trung bình và thấp có nhà ở.
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TP.HCM, tính đến hết tháng 5, vốn cam kết đã cho vay trong gói 30.000 tỷ đồng trên địa bàn đạt 989 tỷ đồng cho 800 khách hàng vay (trong đó cho vay 01 khách hàng DN với dư nợ 540 tỷ đồng).
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, hiện nay, lãi suất cho vay của gói 30.000 tỷ đồng chỉ còn 5%/năm, thời gian cho vay đã được kéo dài tới 15 năm. Các thủ tục đã được tháo gỡ như cho phép được thế chấp hình thành nhà ở trong tương lai để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, người vay vốn mua nhà ở xã hội vẫn vướng ở thủ tục khi phải có xác nhận của địa phương về tình trạng không có nhà, còn chính quyền địa phương cho rằng họ chỉ xác nhận hộ khẩu chứ không xác nhận tình trạng không có nhà ở cho dân. Đây chính là vấn đề khiến cho vốn tín dụng cho vay gói 30.000 tỷ đồng bị “tắc”.
Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, trên địa bàn TP.HCM với khoảng 20.000 cán bộ nhân viên có nhu cầu mua nhà ở xã hội, trong khi thành phố đang có 7/21 dự án được chuyển đổi sang nhà ở xã hội với quy mô 7.541 căn. So với lượng khách hàng trên địa bàn được vay gói 30.000 tỷ đồng là quá nhỏ, cần phải tháo gỡ các thủ tục, chứ không để tình trạng một chính sách đưa ra mà lại không khả thi.
Ông Tín cũng cho biết thêm, thu nhập trung bình của người dân thành phố chỉ 8 triệu đồng/người/tháng. Trong tổng thu nhập đó chỉ có 30% (2-2,4 triệu đồng) dành cho nhu cầu ở. Như vậy, bên cạnh tháo gỡ thủ tục phải tính đến lãi suất và thời hạn vay phù hợp.