Gói 30.000 tỷ: BĐS sốt ruột, nhà băng rụt rè
Theo ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, gói tín dụng 30.000 tỷ thực ra không lớn, nó chỉ bằng 1% GDP nhưng có rất nhiều người dân và DN đợi chờ vào gói tín dụng này...
Tình hình giải ngân cho người dân vay đang có sự biến động từng ngày, tính đến nay đã có khoảng 350 khách hàng được vay với số tiền 70 tỷ đồng và 3 doanh nghiệp được duyệt vay”. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho biết sáng 16/09, trong buổi làm việc với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Trước đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu đã đặt câu hỏi về tình hình nhà ở và thị trường BĐS cũng như các giải pháp gỡ khó. Trong đó đặc biệt là việc thực hiện gói tín dụng 30.000 tỷ đồng.
Trả lời về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam chia sẻ, trong năm 2013, nhiều chương trình, dự án nhà ở xã hội có quy mô lớn được triển khai tại các thành phố như Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Bình Dương... đã có trên 50 dự án nhà ở thương mại đăng ký chuyển đổi thành nhà ở xã hội với quy mô khoảng 34.000 căn hộ… Thị trường BĐS đã bước đầu hướng tới việc cung cấp hàng hóa phù hợp với nhu cầu thực và khả năng thanh toán của thị trường. Tuy nhiên, thị trường BĐS hiện nay vẫn tồn tại hai hạn chế lớn , đó là: việc phát triển nhà ở trong thời gian vừa qua rất thiếu kiểm soát, phá vỡ các quy hoạch chiến lược; cơ cấu hàng hóa không hợp lý và thiếu nguồn lực tài chính lâu dài.
Về gói tín dụng 30.000 tỷ, Thứ trưởng Nam cho biết gói tín dụng này không lớn nhưng nó có ý nghĩa và sức lôi kéo rất lớn, bởi chính sách chỉ cho người dân và DN vay 70% số tiền họ bỏ ra để mua nhà hoặc xây dựng nhà ở xã hội, 30% nữa họ tự bỏ tiền ra, như vậy sẽ có thêm 10.000 tỷ đồng nữa lưu thông trên thị trường BĐS. Nhưng điều quan trọng nhất là gói tín dụng này, sẽ giúp rất nhiều người thu nhập thấp có thể mua được nhà ở cho mình trong điều kiện khó khăn về vốn…
Thứ trưởng Nam cũng trăn trở, “khi họp với các ngân hàng về tình hình giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ, ngân hàng nào cũng báo cáo tiến độ giải ngân đang rất tốt, nhưng thực tế tôi thấy, ngân hàng nào cũng có vẻ đang rụt rè”.
Hiện nhiều DN tại Tp.Hồ Chí Minh than phiền, gói tín dụng 30.000 tỷ không hiệu quả, không trúng đích là bởi vì họ chưa tiếp cận được nguồn vốn. Nguyên nhân do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề xác nhận về thực trạng nhà ở, hoặc chưa có nhiều sản phẩm đáp ứng được điều kiện vay mua của gói 30.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: gói tín dụng gói 30.000 tỷ không phải là gói để trực tiếp cứu BĐS, mà là gói cho người nghèo vay mua nhà, thuê mua nhà và thuê nhà. Nếu nền kinh tế không bị khủng hoảng thì chúng ta vẫn có gói tín dụng này như nhiều quốc gia trên thế giới đã làm. Khi kinh tế khá lên, thì vẫn cần những gói tín dụng lớn hơn và lãi suất tiếp tục giảm đi. Trong điều kiện hiện nay, gói hỗ trợ này sẽ góp phần tăng cầu của nền kinh tế.
Bộ Xây dựng kiến nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tác động tới UBND các tỉnh, thành phố quyết liệt đôn đốc các địa phương, cũng như các ngân hàng rút ngắn thời gian xem xét, thẩm định.Nguồn: Thời báo Tài chính