Giọt nước mắt của chồng đêm mồng 4 Tết

Mấy phút lướt facebook, chợt vợ thấy chồng im ắng, tưởng mệt nên ngủ sớm. Tự nhiên giọng anh nghèn nghẹn cất lên: Em xong chưa?

Ngày mồng 4 Tết, nhà mình làm lễ hóa vàng tiễn ông bà, 2 vợ chồng bận rộn từ chiều làm mâm cơm cúng và mời họ hàng, bạn bè tới ăn bữa cơm đầu năm. Vì là tổng kết Tết nên bạn thân ngồi lại tâm sự chuyện năm qua rồi kế hoạch năm tới, hàn huyên tới khuya mới tàn cuộc. 

Giọt nước mắt của chồng đêm mồng 4 Tết - ảnh 1

Ảnh minh họa

Hai vợ chồng thu dọn xong cũng hơn 22h khuya. Lên phòng, không ai nói gì, cùng mở mạng lướt facebook xem bạn bè mình ăn Tết ra sao, có gì mới hay không? Đó cũng là một việc 2 đứa thường làm trước khi ngủ. Được mấy phút vợ thấy im ắng, tưởng chồng ngủ rồi. Vợ đăng mấy hình ảnh ăn Tết của nhà mình để ông nội ở quê có thể nhìn thấy con cháu trong này. Tự nhiên giọng anh nghèn nghẹn cất lên: Em xong chưa?

Nghe giọng chồng lạ quá, tưởng chồng giận vợ điều gì vội cất điện thoại, quay sang chồng. Chiếc điện thoại của chồng vẫn sáng, vợ nhón lấy coi thử. Trên màn hình là bài của một người bạn, có hình bạn anh chụp chung với mẹ và những dòng thơ:

“Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha

Ai còn mẹ, xin đừng làm mẹ khóc

Đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe con”

Thế là vợ hiểu rồi: Ngày xuân sum họp gia đình, lên mạng thấy nhà nào cũng đăng hình cả nhà đoàn tụ, có mẹ có cha, anh buồn. Đọc những dòng thơ trên face và ảnh của bạn chụp chung với mẹ làm anh tủi. Anh nhớ mẹ (mẹ mất một năm rồi), anh nhớ quê nhà, anh khóc. Đó là lý do vì sao giọng anh nghèn nghẹn.

Im lặng, không khí chùng xuống, mỗi người theo đuổi một dòng suy nghĩ, nhưng giống nhau vì đều là hồi ức về mẹ. 

Vợ nhớ về một người mẹ chồng hiền  hậu, thương chồng con hết mực. Làm dâu suốt mười mấy năm, sống chung nhà với bố mẹ 5 năm nhưng chưa bao giờ vợ nghe mẹ nặng lời, to tiếng với ai, kể cả với các con dâu. 

Bố mẹ đều là giáo viên nghỉ hưu. Nhà đông con, mẹ có tới 5 con dâu và 2 con rể. Chị dâu cả làm ruộng vất vả, mẹ thương lắm. Dù chị đôi lúc nói năng không có đầu đuôi, nhưng mẹ không bao giờ la mắng mà dạy bảo như con ruột. Còn các nàng dâu khác của mẹ thì cứ nhìn mẹ mà học tập. Mẹ lúc nào cũng ôn hòa, nhường nhịn chồng con. 

Mẹ được rất nhiều người từ đồng nghiệp đến họ hàng, làng xóm yêu quý. Làm dâu mẹ bao năm nhưng vợ chưa bao giờ nghe mẹ kể xấu con dâu, con rể nào. Con cái không nên, không phải mẹ để khi nào mẹ con vui vẻ mới nhỏ to nói chuyện như tâm tình, rồi mẹ khuyên nhủ nhẹ nhàng như người bạn thân.

Vợ nhớ mãi một câu “mẹ chồng khuyên con dâu” khi vợ chuyển công tác từ trường ngoài quê vào dạy gần chỗ chồng: “Con ơi, dạy con người ta thì con cứ từ từ, đừng vì muốn học trò mau tiến bộ mà đánh, mắng nó nghe con. Phải nhẫn nhịn kẻo ảnh hưởng tới sự nghiệp cả đời con ạ.” 

Lời khuyên con dâu của mẹ là lời của đồng nghiệp lớp trước truyền kinh nghiệm cho lớp sau, vợ nhớ mãi và luôn cố gắng để làm được như mẹ từng làm. Điều đó quả không dễ chút nào, nhưng vợ luôn mang theo lời khuyên đó và học tập tấm gương sáng là mẹ trong suốt cuộc đời.

Thế là nước mắt cứ tuôn rơi, vợ chồng ôm nhau khóc ngon lành. Chồng có người chia sẻ, nức nở, kể chuyện ngày xưa. Hồi nhỏ, anh chỉ thích học nhưng lại ngại làm ruộng. Trong khi mẹ vừa dạy học vừa xin ruộng cấy thêm để nuôi 7 người con. Bố thì bận việc cơ quan, toàn ở Phòng Giáo dục, ít về lắm. 

Thế nên, mỗi lần mẹ kêu đi làm ruộng: nhổ mạ, cuốc ruộng, gánh phân ra đồng là anh ngại lắm, giận mẹ sao cứ bắt con cái phải làm việc vất vả. Nhưng lớn lên anh mới hiểu, nhờ lao động mà anh trưởng thành hơn. Rồi các anh chị có gia đình riêng, chỉ còn anh và chú út chuẩn bị thi đại học thì bố mẹ về hưu hết, lương hưu của cả bố và mẹ chỉ đủ nuôi một đứa học Đại học khi ấy thôi. Anh tính sẽ thi vào trường quân sự  để giúp bố mẹ bớt lo kinh tế khi có 2 con chuẩn bị vào đại học. Mẹ vẫn bảo: “Các con cứ học cho tốt, không phải lo gì tiền bạc cả, cần thiết bố mẹ sẽ vay mượn cho các con học Đại học.”

Anh học quân sự, ít được về nhà, mỗi lần về phép mẹ hay tâm sự: “Nhà mình thằng út học dân sự hay được về nhà, còn con học quân sự vất vả, bố mẹ lại không đi thăm được nên nhớ và thương lắm. Con phải giữ gìn sức khỏe để học hành rèn luyện cho tốt nhé!” 

Mẹ nói ít nhưng anh hiểu lòng mẹ thương các con vô bờ. Rồi mẹ và các anh chị lại dúi cho anh mấy chục ngàn trước khi anh trả phép. Chỉ có mấy chục ngàn, cũng không phải số tiền lớn khi đó nhưng anh rất trân trọng và quyết tâm học hành thật tốt. Học quân sự không tốn tiền nên anh lại dành dụm tiền đó chứ không dám tiêu hoang. 

Cái tính tiết kiệm này thì anh giống hệt mẹ. Vì để nuôi 7 người con ăn học với đồng lương giáo viên thời bao cấp, mẹ phải hết sức tiết kiệm và còn làm thêm bao nhiêu việc nữa. Trong tâm trí anh ngày đó mẹ khỏe lắm, cứ một mình làm lụng, gánh đất lấp ao trồng rau, nuôi lợn nuôi bò nữa... Có việc gì mẹ cũng làm để tăng thêm thu nhập nuôi đàn con. 

Cũng có thể vì vất vả nhiều năm trời mà lúc về già mẹ yếu đi nhanh thế. Bạo bệnh làm mẹ ra đi mà anh chưa kịp đền đáp được gì nhiều. Lần cuối cùng anh nói chuyện với mẹ qua điện thoại mẹ vẫn động viên anh: “Con cứ lo xây dựng trong đó, nợ thì trả dần. Còn tiền bố mẹ vay mượn cho cứ yên tâm, khi nào có thì trả, không phải lo nghĩ.” 

Lúc mẹ bị tai biến, anh về mẹ đã không nói được nữa, nên anh nhớ mãi lần cuối cùng nói chuyện với mẹ vẫn là mẹ động viên anh, lo lắng cho anh. Anh chưa làm được gì cho mẹ, đến cuối đời mẹ vẫn còn phải lo cho anh. 

Chồng nức nở, vợ cũng khóc theo. Vợ biết chồng thương mẹ lắm nhưng lại chưa bao giờ thổ lộ được với mẹ. Chồng hay giấu cảm xúc trong lòng, nỗi nhớ thương mẹ từ khi mẹ mất, chồng không muốn để vợ con thấy nên hay khóc thầm hoặc nuốt nước mắt vào trong. 

Chồng ơi! Dù chồng chưa làm được gì cho mẹ nhưng chồng sống tốt, là một người con hiếu thuận, có trách nhiệm với gia đình và là một quân nhân gương mẫu thì mẹ cũng vui lòng lắm đó. Vợ tin rằng trên thiên đàng, mẹ đang dõi theo chúng ta và mỉm cười khi đàn con của mẹ ai cũng giỏi giang, sống hòa thuận, thương yêu nhau. 

Mẹ ơi! Con ơn mẹ sinh ra và dạy dỗ được những người con biết đạo lý, có trách nhiệm với công việc, tiết kiệm và biết chăm lo gia đình, trong đó có chồng con. Mẹ vất vả cả đời, nuôi dạy một đàn con khôn lớn, ăn học đàng hoàng, nghề nghiệp ổn định và rồi mẹ lặng lẽ đi xa khi các con của mẹ vừa đủ lông đủ cánh. 

Công ơn mẹ chúng con chưa kịp đền đáp, nhưng con biết mẹ không buồn vì điều đó mà mẹ vui vì các con của mẹ đều trưởng thành và là những công dân tốt, đúng không mẹ?
Đặng Chung

Chuyện cảm động phía sau tấm ảnh phục dựng gia đình đủ 4 người ở Làng Nủ

Sau trận lũ quét kinh hoàng xảy ra tại thôn Làng Nủ, em Hoàng Xuân Phúc (14 tuổi) đã mất đi cả bố và mẹ. Mong muốn của Phúc là có một bức ảnh đầy đủ 4 thành viên trong gia đình.

Chị dâu tặng vòng vàng dịp kỷ niệm ngày cưới, tôi đi bán mới phát hiện sự thật

Không tin vào những gì mình nghe được, tôi đã mang chiếc vòng vàng được chị dâu tặng đến 3 cửa hàng khác nhau để kiểm tra.

Cô gái Bình Phước ngồi xe lăn vào lễ đường, nhiều người rơi nước mắt

Đám cưới của Nhung có nhiều điều đặc biệt. Cô được bố đẻ bế ra trao cho chú rể. Khoảnh khắc chú rể đẩy xe lăn, đưa cô dâu tiến vào lễ đường nhiều người cảm động rơi nước mắt.

Bé trai 1 ngày tuổi bị bỏ lại giữa ngày mưa, mảnh giấy viết vội lời chua xót

Người mẹ đã bỏ lại bé trai 1 ngày tuổi ở ven đường kèm theo mảnh giấy viết tay với những lời chua xót.

'Nhìn danh sách ủng hộ của xóm nghèo, giật mình tưởng đọc nhầm con số'

Hay tin người dân miền Bắc oằn mình trong bão lũ, người dân Sơn Trình không ai bảo ai, tự nguyện góp tiền ủng hộ.

Cô gái bỏ việc tiếp viên hàng không, thực hiện ước mơ dành tặng người cha mù

Bỏ việc tiếp viên hàng không, chị Phạm Thị Kim Hằng xây dựng mô hình tạo việc làm cho người yếu thế. Đó chính là ước mơ của chị dành tặng người cha mù đã quá cố.

Hẻm độc lạ ở TPHCM, người dân không uống bia rượu, mỗi năm nhịn ăn 1 tháng

Tại con hẻm được nhận định là độc lạ nhất TPHCM, người dân không chỉ không uống rượu bia mà trong năm còn nhịn ăn, nhịn uống khi có ánh mặt trời suốt 1 tháng.

Mẹ chồng đi 1.200km về nhà thông gia đón cháu, con dâu bật khóc vì cảm động

Khoảnh khắc biết mẹ chồng đi 1.200km về đón cháu, Mơ (tên ở nhà là Nguyên) rưng rưng xúc động. Cô vừa thương mẹ chồng vất vả vừa cảm động trước tấm lòng yêu con thương cháu của bà.

Em bán mảnh đất vườn, anh trai chở mẹ đến đòi 200 triệu dưỡng già

Dù có công khai hoang nhưng tôi chỉ được thừa kế một mảnh vườn ở xa, còn phần lớn đất đai giá trị cha mẹ đều sang tên cho anh trai.

Cha 70 tuổi lấy vợ mới, các con về một phe kiên quyết đòi lại gia tài

Dù đã được chia gia tài nhưng khi biết cha lấy vợ mới và bán đất dưỡng già, các con ông Hai đâm đơn, đòi lại phần tài sản của mẹ.

Đang cập nhật dữ liệu !