Giới trẻ Việt dành 5,5 giờ mỗi ngày để “lướt” mạng
Chia sẻ tại hội thảo công bố báo cáo phát triển thế giới 2016 “Lợi ích số” do Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức chiều 14/3, ông Trương Gia Bình – Chủ tịch Tập đoàn FPT cho biết, thanh niên Việt Nam trung bình dành mỗi ngày 5,5 giờ để “lướt” mạng, gấp 3 lần các nước trong khu vực Asean. Con số này cho thấy tiềm năng phát triển công nghệ số, công nghệ ứng dụng gia tăng trên Internet ở Việt Nam là rất lớn.
Ngoài ra, cùng trong bối cảnh chung với các nước trong khu vực nhưng thanh niên Việt Nam lứa tuổi 18 – 35 đều có và sử dụng smartphone thành thạo để kết nối Internet. Chính điều này đã tạo nên cơ hội phát triển bùng nổ các ứng dụng OTT trên Internet thời gian qua tại Việt Nam.
Giới trẻ Việt Nam trong độ tuổi từ 18 đến 35 hầu hết để sử dụng smartphone và dành 5,5 giờ mỗi ngày để "lướt" mạngẢnh minh họa. Nguồn: Internet |
Với tỷ lệ 4 tỷ người vẫn “nằm bên lề” nền kinh tế số được WB công bố trong báo cáo phát triển thế giới 2016 chủ đề “Lợi ích số”, thì tỷ lệ thời gian sử dụng, tiếp cận Internet của giới trẻ Việt Nam là khá cao.
“Công nghệ số đang làm chuyển đổi cách thức làm việc, điều hành của các Chính phủ và cá nhân” – ông Kaushik Basu, chuyên gia kinh tế trưởng của WB nói.
Cũng theo ông Kaushik, chiến lược phát triển công nghệ số cần phải có tầm rộng hơn chiến lược phát triển CNTT truyền thông. Để khai thác tối đa lợi ích, các nước phải tạo được môi trường thích hợp cho sự phát triển công nghệ: các biện pháp quản lý khuyến khích cạnh tranh và gia nhập thị trường, phát triển kỹ năng cho phép người lao động làm chủ công nghệ và xây dựng thể chế có trách nhiệm trước người dân.
“Đầu tư vào hạ tầng cơ bản, giảm chi phí kinh doanh, gỡ bỏ rào cản thương mại, nâng đỡ doanh nghiệp khởi nghiệp, và tạo điều kiện giữa các nền tảng số là một số biện pháp sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất, đổi mới sáng tạo hơn” – ông Kaushik khuyến cáo.
Với trường hợp của Việt Nam, ông Trương Gia Bình bật mí, hiện Việt Nam đang đứng thứ 2 sau Trung Quốc và Nhật Bản, “vượt mặt” Ấn Độ về phát triển phần mềm. Nhiều quỹ đầu tư đang “nhắm” tới Việt Nam như một “mảnh đất” màu mỡ để phát triển công nghệ phần mềm.
Tuy nhiên, Chủ tịch FPT cho rằng, để các quỹ đầu tư này có thể “dừng chân” ở Việt Nam, cần có sự thay đổi về chính sách trong thu hút đầu tư vào lĩnh vực công nghệ thông tin.
“Cần cơ chế thành lập công ty nhanh, 1$/ngày có thành lập được công ty. Tốc độ là rất quan trọng trong thời gian công nghệ số”- ông Bình góp ý.