Giếng cổ hình vuông Quảng Phương
Giếng cổ - nét văn hóa đặc trưng của người Chăm pa
Các giếng cổ ở Quảng Phương nằm rải rác tại các thôn Pháp Kệ, Trù Xa. Trong đó, Pháp Kệ là thôn có nhiều giếng cổ nhất (4 giếng) nằm rải rác ở 4 xóm (xóm Nam, xóm Đông, xóm Đoài, xóm Bắc). Về cơ bản giếng cổ có 3 kiểu dáng: hình tròn, hình vuông (chiếm đa số) hoặc trên tròn dưới vuông. Chất liệu để xây giếng chủ yếu là gạch, đá. Một số giếng có khung gỗ vuông ở dưới thành gạch. Khung gỗ này giữ vai trò quan trọng bảo đảm tuổi thọ của giếng, giữ cho thành giếng ổn định lâu dài không bị sụt lún. Đặc biệt, nước giếng rất trong và mát dù đã tồn tại qua hàng trăm năm.
Quay ngược thời gian, toàn bộ vùng đất Quảng Trạch trước đây là một miền đồi núi trung du thuộc châu Bố Chính xưa nằm trong vương quốc Chăm pa. Năm 1069, vua Lý Thánh Tông đưa quân đi đánh Chămpa, vua Chiêm là Chế Củ phải dâng ba châu Bố Chinh, Địa Lý và Ma Linh (thuộc vùng đất Quảng Bình và phía Bắc Quảng Trị ngày nay) cho Đại Việt. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt vẽ lại hình thể sông núi ba châu này và đổi thành tên mới, tương ứng: Bố Chính (“Chính” có dấu sắc), Lâm Bình và Minh Linh; đồng thời chiêu mộ dân chúng đến khai phá, làm ăn, sinh sống. Năm 1103, vua Chiêm là Chế Ma Na tiến đánh đòi lại ba châu này. Nhưng ngay sau đó, năm 1104, vua Lý Nhân Tông sai Lý Thường Kiệt tấn công Chăm pa, lấy lại được ba châu vừa mất.
Để sinh sống, người Chăm xưa ngoài phát nương làm rẫy phát triển nền nông nghiệp thì nguồn nước được xem như yếu tố sống còn cho cuộc sống mưu sinh nơi miền trung du, đồi núi. Ban đầu, nước được lấy từ các khe, suối hay các vũng, hồ tự nhiên, kể cả hứng nước mưa đựng trong các chum, chậu để dùng cho sinh hoạt hàng ngày. Nhưng dần dần, qua thời gian, người dân nhận thấy nguồn nước không được bảo đảm thường xuyên, vì vậy, việc tìm nguồn nước lâu dài là việc rất hệ trọng.
Giếng cổ xây theo hình vuông, nằm bên cây đa trăm tuổi. |
Với địa hình là đồi núi, nguồn nước chủ yếu xuất phát từ mạch ngầm chảy từ trong các khe núi, khe đồi tạo thành những dòng suối nhỏ tuôn ra ngoài. Lợi dụng địa thế, con người đã chất đá thành từng lớp chồng lên nhau tạo thành giếng. Các giếng nước được hình thành với mạch nước dồi dào vô tận, mang trong mình sứ mạng bảo đảm nguồn nước lâu dài cho con người sinh sống và làm nông nghiệp.
Sau khi đến đây khai hoang lập nghiệp, cha ông ta vẫn giữ những giếng nước đã có trước và xây thêm nhiều giếng mới trong làng, trong xã. Hầu như ở làng nào cũng có giếng để phục vụ cho cuộc sống của cộng đồng người ở đó.
Giữ hồn giếng cổ
Ngày nay, có lẽ hình ảnh người dân múc từng gàu nước giếng làng gánh về nhà dùng thật hiếm gặp, bởi nước máy, nước giếng khoan phổ biến. Nhiều giếng cổ vì thế bị xuống cấp, lãng quên. Nhưng giếng cổ ở Quảng Phương vẫn trường tồn với bề dày lịch sử, văn hóa quê hương. Ông Phan Văn Mường (76 tuổi), một bậc cao niên ở thôn Pháp Kệ cho biết: “Khi tôi sinh ra, giếng làng đã có rồi. Nghe ông bà, cha mẹ kể lại thì giếng này đã có từ đời cụ, kỵ. Tôi nhớ lúc còn bé vẫn theo mẹ ra giếng gánh nước về nhà dùng hàng ngày. Cả làng cùng tề tựu trò chuyện, trẻ con đùa nghịch, trai gái hò hẹn... Giờ đã có nước máy nhưng dân làng vẫn lấy nước ở đây về pha trà, nấu cơm như một thói quen”.
Những chiếc giếng cổ đã đi vào tiềm thức của biết bao người dân quê. Nhiều nơi người ta lập cả một ngôi miếu nhỏ gần giếng để thờ thần giếng hay coi giếng như báu vật mang lại điềm lành cho làng. Và cứ vào dịp đầu tháng giêng, miếu được người dân chọn làm nơi giỗ thành hoàng làng và dâng lễ cúng trời đất cho dân làng một năm mưa thuận gió hòa, cây cối xanh tốt, người dân được bình an.
Những chiếc giếng cổ vẫn song hành cùng lịch sử, văn hóa và đời sống của người dân ở Quảng Phương. Cuộc sống có hiện đại, tiện dụng đến đâu thì giếng làng luôn là một mảnh ghép không thể thiếu của làng và sẽ trường tồn mãi với thời gian.
Theo Phạm Hà/ Quảng Bình online