Giấy phép con, quy định "mồm" bóp nghẹt doanh nghiệp
Nhiều ý kiến doanh nghiệp kêu về những nỗi khổ mà giấy phép con trong điều kiện kinh doanh “hành” lâu nay tại hội thảo lấy ý kiến doanh nghiệp góp ý Dự thảo Nghị định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) ngày 13/5.
Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, ông Trần Hùng tố, các điều kiện kinh doanh không chỉ có trong các luật, nghị định, thông tư, công văn liên quan đến ngành quảng cáo, mà còn xuất hiện nhan nhản trong các công văn, giấy tờ, thậm chí từ “mồm” của cán bộ sở.
Đơn cử, hiện 100% các bảng quảng cáo ngoài trời đều phải xin giấy phép nội dung, không được chấp nhận thì không thể đặt biển, trong khi trước đây loại giấy phép con này đã được bãi bỏ rồi. “Chúng tôi tìm hiểu thì biết là Bộ Y tế kiên quyết giữ, bảo là vì lợi ích sức khỏe toàn dân nên phải kiểm tra nội dung quảng cáo”, ông Hùng nói. Ông đề nghị, rà soát lại các thông tư sắp ban hành để “ách lại” các văn bản có dấu hiệu cài cắm.
Thực tế mà Phó Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam nêu ra cũng là thực trạng chung mà đa phần các doanh nghiệp đang gặp phải khi bị các điều kiện kinh doanh của các cơ quan Nhà nước “bóp nghẹt” mà không dám kêu ca. Có kêu cũng không được giải quyết.
Vận tải là một trong những lĩnh vực kinh doanh phải chịu nhiều điều kiện |
Theo rà soát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), có tới 1697 điều kiện kinh doanh trong tổng số 5.850 điều kiện kinh doanh được ban hành bởi các thông tư. Theo Luật Đầu tư, đến ngày 1/7/2015, các điều kiện này sẽ đương nhiên hết hiệu lực.
Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng CIEM cũng cho biết, chỉ riêng các quy định về điều kiện kinh doanh đã lên tới gần 900 trang, chưa kể quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục, thời hạn và cơ quan có thẩm quyền xác nhận đáp ứng điều kiện kinh doanh.
Ngoài ra còn hàng ngàn “công văn điều hành hàng năm” cũng đặt ra điều kiện kinh doanh cho doanh nghiệp. Khoảng 6.000 điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành và ủy ban ban nhân dân tỉnh ban hành phải hết hiệu lực từ 1/7 tới, khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực.
“Các doanh nghiệp phải chủ động. Nếu doanh nghiệp không đăng ký, không thông báo cho cơ quan quản lý thì kinh doanh vẫn hợp pháp vì luật không cấm. Nếu ai phạt thì phải kiện. Doanh nghiệp không nên đi hỏi cơ quan Nhà nước là có được kinh doanh không vì nếu hỏi là còn xin – cho. Tư duy này phải bỏ đi” – ông Cung quả quyết.
Đồng tình với ý kiến dứt khoát mà ông Cung đưa ra, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô, khi Luật Doanh nghiệp sửa đổi có hiệu lực thì điều kiện kinh doanh mà Chính phủ ban hành phải được coi là quy định duy nhất, tránh tình trạng mỗi bộ, ngành lại “đẻ” ra một điều kiện riêng biệt cho ngành của mình. Như với ngành kinh doanh vận tải ô tô, ông Thanh cho rằng, siết lại hoạt động vận tải đường bộ là đúng, nhưng đừng bóp chết doanh nghiệp, đừng nắn túi để doanh nghiệp khổ thêm.
Vậy nhưng trước ý kiến nếu bộ “đẻ” giấy phép để hành doanh nghiệp thì nên kiên quyết kiện, ông Trần Hùng nói thẳng, “chúng tôi có kiện cũng kiện củ khoai, rồi lấy đâu ra kinh phí hầu kiện?”. Nỗi trăn trở của ông Hùng là hiển nhiên khi ông dẫn chứng, hàng loạt đơn, thư kiến nghị của Hiệp hội gửi tới các cơ quan quản lý để “kêu” về những khó khăn mà các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực quảng cáo đang gặp phải thì chỉ duy nhất một cơ quan phản hồi bảo lưu ý kiến, còn lại đều là sự … im lặng. “Trước đây chúng tôi còn nhận được câu trả lời mỗi khi gửi đơn, được cư xử có văn hóa, còn hiện giờ thì bặt tăm”- ông Hùng buồn rầu.
Trong thời điểm trước mắt, ông Ngô Việt Hòa, Công ty Luật Russin&Vecchi đề nghị thành lập một “đội đặc nhiệm” về rà soát điều kiện kinh doanh. Thành phần của ban đặc nhiệm này gồm đại diện giới chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp, các nhà quản lý. Ban này cần được trao quyền tối đa để dọn dẹp tất cả các điều kiện kinh doanh bất hợp pháp, bất hợp lý, bất bình đẳng… cản trở quyền hoạt động, tự do kinh doanh của doanh nghiệp.