Giật mình tội phạm gian lận thuế ngày càng "lộng hành"
Tội phạm gian lận thuế “lộng hành”
Vụ án lập công ty “ma”, buôn bán hoá đơn, chiếm đoạt tiền tỷ của Nhà nước tại Công ty CP XNK mỏ Việt Bắc, hay vụ việc bắt giữ một đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng với doanh số trên 800 tỷ đồng vừa được cơ quan công an “khui” ra thực sự gây xôn xao dư luận.
Tình trạng doanh nghiệp lợi dụng kẽ hở, buôn bán hóa đơn "ma" ngày càng gia tăng Ảnh minh họa |
Cụ thể, theo báo cáo của Cục thuế Hà Nội thì từ tháng 10/2014 đơn vị này đã kiểm tra thuế tại Chi nhánh Tổng công ty Việt Bắc- Vinacomin (địa chỉ 65 An Trạch, Đống Đa, Hà Nội). Qua kiểm tra Cục thuế Hà Nội phát hiện doanh nghiệp đã sử dụng 359 hoá đơn của 8 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh theo thông báo của các cơ quan thuế địa phương để kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào và hạch toán vào chi phí. Giá trị hàng hoá dịch vụ mua vào chưa thuế của 359 hoá đơn hơn 100 tỷ đồng, trong đó thuế giá trị gia tăng là hơn 10 tỷ đồng.
Cục Thuế Hà Nội tiếp tục yêu cầu Chi cục thuế Quận Thanh Xuân và Chi cục Thuế Quận Hà Đông cung cấp hồ sơ thuế liên quan đến 8 doanh nghiệp nói trên và nhận thấy các dấu hiệu bất thường. Có 4/8 doanh nghiệp hầu như chỉ viết hoá đơn cho chi nhánh Tổng công ty Việt Bắc- Vinacomin và chỉ hoạt động từ 2-3 năm rồi bỏ địa chỉ kinh doanh. Các khoản tiền chi nhánh này chuyển đi đều được rút ra tiền mặt ngay sau khi tiền vào tài khoản của 4 doanh nghiệp nói trên.
Xét thấy có các dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, Cục thuế Hà Nội đã có công văn gửi PC 46 Công an TP. Hà Nội đề nghị phối hợp điều tra, xác minh vụ việc. Ngày 15/6/2015, Công an TP Hà Nội đã tiến hành bắt 2 đối tượng là Nguyễn Thị Dậu và Lê Văn La, nhân viên phòng XNK chi nhánh Tổng công ty Việt Bắc- Vinacomin.
Tương tự, trong vụ công an TP. Hải Phòng bắt giữ đường dây mua bán trái phép hoá đơn giá trị gia tăng với doanh số trên 800 tỷ đồng cũng bắt nguồn từ phát hiện ban đầu của cơ quan thuế.
Cụ thể, qua thanh tra, kiểm tra Cục thuế TP. Hải Phòng phát hiện tại quận Ngô Quyền có 3 doanh nghiệp sử dụng 324 hoá đơn với doanh thu 259,6 tỷ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng đầu ra là 25,9 tỷ đồng. Tại quận Hải An phát hiện 2 doanh nghiệp, sử dụng 278 hoá đơn, doanh thu 218 tỷ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng là 21,8 tỷ đồng. Tại huyện Kiến Thuỵ phát hiện 4 doanh nghiệp sử dụng 390 hoá đơn, doanh thu 244 tỷ đồng, tiền thuế giá trị gia tăng 24,4 tỷ đồng.
Qua kiểm tra, xác minh phát hiện dấu hiệu tội phạm, buôn bán hóa đơn, Cục thuế TP. Hải Phòng đã chủ động chủ động cung cấp thông tin cho công an thành phố điều tra, xử lý.
Hai vụ việc điển hình trên chỉ là số ít trong số các vụ việc gian lận thuế, tội phạm thuế mà thanh tra ngành thuế “khui” ra thời gian gần đây và chuyển cơ quan điều tra công an điều tra, xử lý…
Trao quyền điều tra, ngành thuế sẽ có thêm “gậy”?
Theo báo cáo của Bộ Tài chính gửi Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Chính phủ về đề xuất được bổ sung thêm chức năng điều tra cho cơ quan thuế, Bộ Tài chính đề nghị giao cho cơ quan thuế chức năng điều tra sơ bộ như triệu tập đối tượng vi phạm, người làm chứng; lấy lời khai; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp thông tin, tài liệu; thu giữ, tạm giữ và bảo quản vật chứng, tài liệu liên quan đến vi phạm.
Lý giải cho đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, có 80 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều nước ASEAN, đã thành lập bộ phận điều tra thuế.
Chia sẻ, ông Nguyễn Hữu Ánh – Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho biết, “nếu cơ quan thuế được giao chức năng thực hiện một số hoạt động điều tra ban đầu thì việc điều tra chỉ là bước tiếp thu sau vụ việc đã được thanh tra. Do đó, thuận rút ngắn thời gian khởi tố vụ án và kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi tội phạm về thuế”.
Ngoài ra, “chức năng này nếu được ủng hộ sẽ giúp đấu tranh có hiệu quả với tội phạm về thuế đang có xu hướng gia tăng hiện nay. Đồng thời, cũng tạo điều kiện cho cơ quan thuế có thêm công cụ để đảm bảo việc tuân thủ pháp luật thuế” – ông Ánh tiếp lời.
“Nếu được giao thêm chức năng điều tra, thì với những vụ việc ít phức tạp và bắt được quả tang thì cơ quan thuế sẽ điều tra, khởi tố vụ án và chuyển cơ quan công an xử lý. Còn với vụ việc phức tạp thì chỉ điều tra ban đầu….”- ông Ánh nói.
Đồng thời, với việc được giao chức năng điều tra, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ bổ sung vào cơ cấu tổ chức Tổng cục Thuế, như tại Tổng cục, thành lập Cục Điều tra thuế có chức năng giúp Tổng cục trưởng tổ chức các hoạt động điều tra ban đầu theo quy định của pháp luật. Còn tại Cục thuế, thành lập phòng Điều tra thuế có chức năng giúp Cục trưởng tổ chức các hoạt động điều tra ban đầu theo quy định của pháp luật.
Trước lo lắng việc thành lập thêm các Cục, phòng Điều tra thuế như đề xuất sẽ khiến bộ máy “phình” thêm, ông Nguyễn Hữu Ánh – Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế) cho rằng, không lo ngại. Bởi, vì về nguyên tắc vẫn sẽ sử dụng đội ngũ cán bộ công chức hiện có, không tăng thêm biên chế với lý do được giao thêm chức năng điều tra thuế. Trước mắt, tập trung sử dụng đội ngũ cán bộ thanh tra thuế có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, có kinh nghiệm trong thanh tra thuế hiện có để đào tạo điều tra thông qua hợp tác với các cơ sở đào tạo nghiệp vụ này của công an….
Hiện tại, việc điều tra các vụ án liên quan đến thuế thuộc thẩm quyền của ngành công an. Theo Bộ Tài chính, cơ quan công an thường phải mất 3-6 tháng, thậm chí là 1-2 năm để thu thập chứng cứ khẳng định là tội phạm về thuế thì mới tiến hành khởi tố vụ án. Dù phải trải qua một thời gian dài điều tra, nhưng số vụ án được khởi tố từ hồ sơ của cơ quan thuế chuyển sang có tỷ lệ rất thấp thường là phải trả lại cơ quan thuế xử lý hành chính. Như năm 2006 là 18,2%, năm 2010 là 20,8% và năm 2013 là 6,36%.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết thêm, số vụ vi phạm phát hiện có dấu hiệu tội phạm về thuế năm 2013 tăng tới 1.142% so với năm 2006.