Giật mình biệt thự Pháp cổ, cửa ra vào bằng cót ép giữa Hà Nội
Khi nhắc đến biệt thự thời Pháp, nhiều người nghĩ rằng đó là nơi ở của những người giàu có, vững chãi… Thế nhưng ít người biết rằng, từ nhiều năm nay, hơn chục hộ dân sống trong ngôi biệt thự số 8 Tăng Bạt Hổ (Hai Bà Trưng, Hà Nội) phải sống trong cảnh chật chội, bức bối, túng thiếu cả nhà vệ sinh.
Theo quan sát, bên trong ngôi biệt thự này các căn phòng rộng đã được chia nhỏ thành nhiều căn hộ. Cửa ra vào của các căn hộ nhỏ đều được mở ra lối hành lang chung. Ngoài dùng làm lối đi, hành lang chung còn được tận dụng làm khu phụ, nơi để đồ đạc, thùng chứa nước… do bên trong chật chội.
Bên ngoài căn biệt thự cổ số 8 Tăng Bạt Hổ (Hai Bà Trưng, Hà Nội). Ảnh: Minh Thư |
Cửa ra vào các căn hộ bằng gỗ đã mục nát, thậm chí có căn hộ đang được dùng cót ép để che tạm lối ra vào. Có lẽ, đây là điều hiếm, ít ai có thể nghĩ đến ở ngôi biệt thự cổ.
Cụ Đỗ Xuân Ánh là con của GS Đỗ Xuân Hợp, năm nay đã 78 tuổi chia sẻ: Căn nhà này giờ chỉ còn “khoác áo” biệt thự Pháp cổ với lớp vỏ cũ nát bên ngoài thôi, chứ bên trong thì đâu còn là biệt thự nữa!
“Tôi về ở tại căn biệt thự này từ năm 1957, khi ấy mới ngoài 20 tuổi chỉ có vài hộ dân ở thôi, chứ không nhiều như bây giờ”, cụ Ánh nói.
Theo quan sát, tường của căn biệt thự này đã bị bong tróc, lở từng mảng. Khắp các góc tường là hệ thống ống nước sạch, thoát nước thải, dây điện và rêu mốc... Các cửa sổ rộng vài mét được thiết kế ban đầu của căn biệt thự đa số đều được rào kín chống trộm hoặc một số được tận dụng để phơi quần áo.
Cửa ra vào một căn hộ trong biệt thự được làm bằng cót ép ghép tạm. Ảnh: Minh Thư |
Nhiều phòng chỉ hơn chục mét vuông, đủ kê một cái giường và tủ quần áo là hết cả lối đi, có hộ đã phải làm cả gác xép để ở thêm vì quá chật chội. Cũng vì quá chật nên nhiều hộ gia đình còn không có diện tích làm nhà vệ sinh nên vẫn phải dùng nhà vệ sinh chung cách chỗ ở vài chục mét. Vài năm trước, chỉ có 1 hộ gia đình ở tầng 2 căn biệt thự có cụ già 90 tuổi nên mới được các hộ dân cùng tổ dân phố đồng ý bố trí khu phụ chừng 2m2 ở hành lang.
Có mặt tại căn phòng chỉ chừng 20m2 của gia đình anh Hoàng Anh, chúng tôi cảm giác được sự ngột ngạt, chật chội và tiết kiệm diện tích đến tối đa khi căn nhà chỉ kê được hai cái ghế nhỏ và chiếc tủ lạnh là hết chỗ. Chật chội là thế, nhưng 2 vợ chồng cùng cậu con trai đã học cấp 3 hàng đêm vẫn phải tá túc trong căn phòng nhỏ bé này.
Không những chỉ chật chội mà cái trần nhà của gia đình anh Hoàng Anh hễ mưa to là lại bị thấm dột, phải mang chậu đặt giữa nhà hứng nước.
Chưa hết, các hộ dân ở căn biệt thự này còn cảm thấy bức bối hơn khi các hộ dân xung quanh đều được mua nhà theo Nghị định 61 của Chính phủ, được cấp sổ đỏ, thì các hộ ở “biệt thự” đều bị trả lại hồ sơ, không được cấp sổ đỏ nên không thể mua bán được để mua nhà chỗ khác rộng rãi hơn.
Nhiều hộ dân lạc quan, biệt thự được Pháp xây khá tốt, tường rất dầy nên sau cả trăm năm, so với những chung cư khác bây giờ thì còn khá chắc chắn. Thế nhưng, nếu được Nhà nước quan tâm nâng cấp, sửa chữa các hạng mục đã xuống cấp thì là điều người dân luôn mong mỏi!
Một số hình ảnh tại căn biệt thự cổ 100 năm tuổi:
Hệ thống dây điện, dây cáp chăng như mạng nhện bên ngoài biệt thự. Ảnh: Minh Thư |
Nào là rêu xanh, ốc nước... Ảnh: Minh Thư |
Cầu thang gỗ đã phai màu, phủ bụi. Ảnh: Minh Thư |
Các vách ngăn cũng rất tạm bợ, bồn chứa nước được đặt trên đầu người qua lại. Ảnh: Minh Thư |
Cụ Đỗ Xuân Ánh trong căn nhà cũ. Ảnh: Minh Thư |
Căn hộ chật chội của một hộ dân chỉ hơn 10m2 đủ kê giường và có lối nhỏ đi lại. Ảnh: Minh Thư |
Nhà vệ sinh được bố trí tạm bằng tôn ở hành lang tầng 2 căn biệt thự. Ảnh: Minh Thư |
Những căn hộ có diện tích quá nhỏ phải quây tạm chỗ tắm rửa bên ngoài biệt thự. Ảnh: Minh Thư |