Giáp Tết chợ cửa khẩu "tăng nhiệt"
Giáp Tết chợ cửa khẩu "tăng nhiệt"
Tại thị trấn Tịnh Biên, huyện Tịnh Biên thương lái từ khắp các nơi như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, TP.HCM… liên tục đánh hàng đi về bằng cả hai đường thủy, bộ.
Người mua kẻ bán nhộn nhịp
Nếu như ngày thường, trái cây xuất đi Campuchia chỉ khoảng chục tấn/ngày, thì nay lên đến 20 - 25 tấn. Các loại như chôm chôm, thanh long, vú sữa… rất hút hàng ở Campuchia, nhất là vào thời điểm này. "Mỗi chuyến hàng đi từ 3 - 4 ngày bán hết veo, lại tăng thêm vài giá", một thương lái hồ hởi cho biết.
Tại các khu vực cửa khẩu, chợ biên giới An Phú, không khí mua bán rất sôi động. Ở chợ Long Bình những ngày này khách từ các nơi đổ về mua sắm khá nhộn nhịp. Hàng hóa bày bán ở các chợ rất đa dạng, phong phú từ: giày dép, mỹ phẩm, quần áo may sẵn, vải, đồ điện máy, thực phẩm công nghiệp, hàng đặc sản địa phương.
Chợ cửa khẩu hoạt động mạnh trong những ngày giáp Tết
Trong đó, hàng Việt chiếm ưu thế khoảng 50%, còn lại 30% hàng Thái, 10% hàng Trung Quốc và một số nước khác. Theo đánh giá của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện, doanh số ở các chợ tăng từ 20 -40%/ngày.
Bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công thương An Giang cho biết, tỉnh có 26 chợ biên giới, chợ cửa khẩu nằm ở 5 huyện, thị xã (Tân Châu, An Phú, Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn) đang ngày càng hoạt động nhộn nhịp, tấp nập, trong đó mạnh nhất là 2 chợ trong khu kinh tế cửa khẩu hoạt động mang tính biên mậu là chợ Tịnh Biên và chợ Long Bình. Tổng doanh số bán hàng của 2 chợ này đạt trên 330 tỷ đồng/năm, mức tăng trung bình 20 - 25%/năm, khách hàng Campuchia cũng tăng đều từ 15 - 20%.
Hiện quy hoạch phát triển mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Campuchia từ nay đến 2020 đang hoàn chỉnh để trình Chính phủ hai nước xem xét, phê duyệt, trong đó An Giang có 19 chợ nằm trong quy hoạch.
bảo trân