Giao thừa, ba viết cho con từ nửa vòng trái đất
Hôm nay sau giờ làm, đi uống chút xíu với đồng nghiệp. Một quán bar nhộn nhịp ở khu trung tâm, vài chai bia nhập khẩu, và cứ thế mỗi người khi thì trò chuyện, khi thì mải chìm trong dòng suy tưởng của chính mình. Đâu đó thấp thoáng trong ánh đèn nhập nhoạng là những bóng người toát ra hẳn vẻ cô đơn. Cũng phải, đến bar một mình vào buổi tối ngày trước Lễ Tình Yêu ắt phải đang đơn côi lắm. Cảm nhận vị lúa mạch rang cháy đắng chát đọng lại trong cổ họng mình, đắng đến mức buồn bã. Ừ, sắp đến Tết rồi.
Anh Hoàng Hải cùng con gái Hoàng Lan chụp hình lưu niệm trong dịp anh về thăm quê hương, khi Hoàng Lan tròn 2 tuổi. |
Trên đường về, lái xe giữa trời đêm lạnh lẽo, nghe Hà Trần luyến láy “Cuộc đời là hư vô bôn ba chi xứ người, khi mình còn đôi tay…” trong bài “Xin thời gian qua mau” ở album mới nhất của cô, lại thấy chạnh lòng. Chạnh lòng không phải bởi không được đón Tết ở quê hương mình, không phải bởi không được hít vào căng cả lồng ngực cái không khí tươi rói đặc trưng của Tết, mà là không được đón Tết cùng con gái.
Hoàng Lan của ba,
Ba đã thôi nghĩ về Tết ngay từ năm đầu tiên ba sang Mỹ. Với một người đơn giản như ba, những gì không thể thay đổi được thì tốt hơn hết không nên để tâm nhiều. Với ba, cái không khí Tết ở quê hương chẳng qua cũng chỉ là vài megabyte dữ liệu được chuyển tải qua mạng xã hội. Hình ảnh từng đoàn người khăn gói tất bật lên tàu xe để về quê đón Tết, những nồi bánh chưng với ánh lửa ấm áp. Hay là các bạn của ba, họ rộn ràng xúng xính quần là áo lượt đi chơi Xuân. Và khi ba nhấn nút đóng trình duyệt lại là hết.
Trước mắt ba hiện thực đêm Giao thừa chỉ là một ngày thứ Năm vẫn phải căng sức ra làm, với những cuộc họp chán ngắt, những yêu cầu vô lý từ khách hàng; và kết thúc bằng cả hàng xe dài dằng dặc kẹt cứng khi tan sở làm.
Ấy vậy mà năm nay, lạ sao, chỉ mới năm nay thôi, ba hay nghĩ về Tết Việt Nam nhiều hơn. Đúng hơn là Tết giờ chỉ còn xoay quanh hình ảnh Hoàng Lan của ba.
Hoàng Lan còn nhỏ lắm, Hoàng Lan chẳng biết Tết đến nghĩa là gì đâu con nhỉ? Nhưng ba chắc con gái ba đang rất vui, vì tính con hiếu động, cứ khi nào đông người và vui vẻ là con thích. Hoặc ba tin, đơn giản là không khí tươi mới của Xuân thôi đã đủ làm con thích thú lắm rồi.
Ba tưởng tượng ra cảnh con co rụt người sợ nấp sau mẹ khi có người lạ tới nói cười rộn rã. Ba đoán là con gái ba sẽ khóc oà lên nếu có ai dang rộng tay về phía con và bảo: “Cô bé ngoan, ra đây ông (hay bà) bồng cái nào!” Ba bật cười khi nghĩ đến con sẽ ‘giành’ lấy tiền lì xì của con không cho ai đụng vào, và mẹ chắc sẽ phải tốn rất nhiều công để dụ lấy tiền ra khỏi phong bao đỏ chói đó rồi mới để lại cái bao ‘quý giá’ đó cho con nghịch cả ngày. Ba chắc rằng con sẽ đòi cho bằng được một miếng bánh chưng thật dẻo để vào trong cái chén nhỏ của con, và con sẽ dùng thìa chọc cho nát và tung toé ra, trước khi lấy tay bốc vài miếng cho vào miệng nếm thử…
Và càng nghĩ, ba càng buồn. Ba lại không được đón Tết cùng con rồi.
Cái phút giao thừa thiêng liêng, ba sẽ không được ôm con gái ba khi đó đang ngủ say vào lòng, không được thì thầm vào tai con những lời chúc Tết, những lời nguyện cầu cho con sang năm mới thật mạnh khoẻ và yên bình.
Những bộ đồ bà nội và ba gửi về cho con từ bên này, ba không được tự tay mặc cho con, không được là người đầu tiên nhìn con sáng ngời trong những bộ cánh xinh tươi ấy.
Ba cũng không được giả vờ rằng những tiếng i a của con là: “À, Hoàng Lan đang chúc Tết ba ba kìa. Con gái của ba giỏi chưa?”
Ba không được đưa con đi, dù chỉ là dạo trên con đường quê đất lầy lội, hay vỉa hè thành phố lát gạch sạch bong.
Ba không được tự tay mua cho con từng món đồ chơi nhỏ, hay những quả bóng bay sặc sỡ sắc màu và cầm chạy quanh cho con để nghe tiếng con cười rộn rã.
Không có điều gì ba làm được cùng con khi Tết về. Ngược lại, có cả ngàn điều ba không thể làm cùng con khi Tết về. Từng điều nhỏ nhặt đó thôi, mỗi lần nghĩ đến, lại làm nhói tim ba. Ba thật có lỗi khi không thể làm mùa Xuân của con thêm thật trọn vẹn.
Con yêu của ba, chắc phải lâu lắm nữa con mới cảm nhận được, nhưng con đường không-có-con-bên-cạnh mà ba phải đi này còn rất dài, nhưng ba tin rằng những trải nghiệm buồn nhớ trên con đường này lại là thứ đã làm ba trưởng thành hơn, để làm chỗ dựa vững chắc cho con khi ba con mình tương ngộ. Hi vọng khi con đường này đến hồi kết thúc, ba sẽ thấy con – Mùa Xuân của ba tươi cười đứng chờ. Khi đó, dù đang ở trên quê hương hay ở một phương trời xa lạ nào đó, ắt ba lại một lần nữa cảm nhận được hương vị Tết sum họp lan toả trong tâm.
Ba chờ ngày đó.