Giao dịch BĐS không cần qua sàn: Hết thời “thổi giá”?
Theo báo cáo từ Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), tính đến cuối năm 2014, cả nước có trên 1.000 sàn giao dịch BĐS và khoảng 30.000 người được cấp chứng chỉ hành nghề môi giới, định giá BĐS. Thế nhưng trên thực tế, số sàn BĐS hoạt động có hiệu quả chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Theo Luật kinh doanh BĐS hiện hành, các giao dịch BĐS phải thực hiện qua sàn giao dịch để đảm bảo tính công khai, minh bạch và quyền lợi các bên. Song, có vẻ như quy định này không đem lại hiệu quả nên Luật kinh doanh BĐS 2014 sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7 tới đây đã bãi bỏ.
Theo đó, thay vì bắt buộc mọi tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS khi bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê mua BĐS phải thông qua sàn giao dịch BĐS, thì Luật kinh doanh BĐS 2014 chỉ quy định nhà nước khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch BĐS thông qua sàn giao dịch BĐS để bảo đảm công khai, minh bạch và quyền lợi của các bên.
Không bắt buộc giao dịch bất động sản phải thông qua sàn sẽ là cuộc “thanh lọc” các sàn BĐS hoạt động yếu kém. Ảnh minh họa: Minh Thư |
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), quy định cũ bắt buộc giao dịch BĐS phải thông qua sàn giao dịch là không thực sự cần thiết. Khi giao dịch qua sàn, chủ đầu tư phải chịu chi phí tương đương 2% doanh thu là không hợp lý. Sàn giao dịch BĐS nên chỉ là một kênh lựa chọn của khách hàng trong giao dịch BĐS bên cạnh các kênh lựa chọn khác như nhà môi giới, luật sư, công chứng… Vì thế, việc bỏ quy định giao dịch phải thông qua sàn BĐS là hợp lý.
Cũng cho rằng, việc bỏ quy định giao dịch phải qua sàn BĐS là rất tốt, trao đổi với PV Infonet, ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành đánh giá: Sàn BĐS không có tác dụng gì cả, mà chỉ gây khó khăn thêm cho người dân, gây tăng thêm giá bán nhà cho người dân mà thôi. Người mua nhà lựa chọn đơn vị dịch vụ nào, sàn BĐS nào để mua nhà hay tìm mua trực tiếp từ chủ đầu tư là quyền của họ. Do vậy, quy định buộc phải giao dịch bất động sản qua sàn chỉ gây thêm phiền toái, bỏ nó là điều tốt cho thị trường.
“Song, quy định này được bãi bỏ từ 1/7 tới đây cũng sẽ không khiến giá nhà biến động lớn bởi sàn là đơn vị mua đi bán lại, là người đầu cơ, họ mua với giá đã được chiết khấu hoặc giá giảm khi “ôm” nhiều rồi họ tìm cách bán giá cao hơn để ăn chênh 3-5%, thậm chí nếu có những vị trí tốt sàn còn tăng thêm 10-15%, đó là uy lực mua bán của thị trường, ai khôn khéo, có tiền mua trước thì người ta được quyền lợi”, ông Đực phân tích.
Thế nhưng, có điều ông Đực cảnh báo, đó là với những sàn chỉ thuần túy là sàn, chỉ “sống” bằng việc xác nhận các giao dịch qua sàn, tức chỉ sống bằng việc làm thủ tục pháp lý như trước đây thì đến lúc không cần nữa, các sàn này sẽ phải tự “đóng cửa”. Còn với những sàn năng động hơn, nhanh chóng chuyển từ sàn sang công ty môi giới, họ đồng thời là những nhà đầu tư thứ cấp, mua lại dự án hoặc đầu tư dự án như Đất Xanh, Novaland, Hưng Thịnh…. thì họ lại sống “khỏe” hơn.
Là đơn vị tham gia bán nhiều dự án của các chủ đầu tư ở Hà Nội, ông Nguyễn Vũ Cao, Chủ tịch HĐQT Hoàng Gia Group cũng khẳng định việc không phải giao dịch bất động sản qua sàn từ 1/7 sẽ không ảnh hưởng gì đến sàn BĐS như đơn vị ông, thậm chí còn có lợi hơn.
“Bỏ quy định này sẽ khiến thị trường có sự thay đổi khi: chủ đầu tư không phải lo về việc “chạy” qua sàn khi bán nhà cho khách hàng thì sẽ giảm được chi phí. Người mua nhà sẽ được bớt thủ tục, đặc biệt sẽ “thanh lọc” các sàn BĐS hoạt động yếu kém, nhất là các sàn chẳng làm gì liên quan đến nghiệp vụ bán hàng, chỉ ngồi làm xác nhận giao dịch qua sàn rồi “ăn” phí… Việc “thanh lọc” này sẽ khiến hoạt động của các sàn trở nên chuyên nghiệp hơn khi là những đơn vị phân phối dự án, chỉ “sống” dựa vào khả năng bán hàng, bằng phí dịch vụ, phí môi giới”, ông Cao nhận định.
Mặc dù cho rằng việc nới lỏng quy định giao dịch qua sàn sẽ giảm thủ tục cho khách hàng và chủ đầu tư nhưng lãnh đạo một sàn BĐS tỏ ra băn khoăn: Nếu thả lỏng quản lý, rất có thể những nguy cơ gây mất minh bạch sẽ lại xuất hiện khi thị trường BĐS “sốt” lên.
“Liệu khi bỏ giao dịch qua sàn có ai dám khẳng định sẽ không còn hiện tượng “thổi”, “đẩy” giá, “ăn chênh”? Vấn đề quan trọng nhất vẫn là các cơ quan quản lý cần có biện pháp “siết” chặt quản lý các sàn BĐS”, vị này cho hay.