Giảm lãi suất quá ít!
Như Infonet đã đưa tin, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo điều chỉnh giảm lãi suất điều hành và cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với một số lĩnh vực, ngành kinh tế kể từ ngày 10/07/2017. Theo đó, giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành và giảm 0,5% mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với nhu cầu vốn phục vụ 5 lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp, nông thôn; xuất khẩu; công nghiệp hỗ trợ; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Ảnh minh họa. |
Trước ý kiến bày tỏ băn khoăn về mức giảm chưa sâu của lãi suất, với tư cách là thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách tiền tệ, TS. Cấn Văn Lực lý giải: “Đây là tỷ lệ được Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ khuyến nghị, vì nếu giảm sâu quá sẽ gây ra một số tác động: NHTM sẽ không dám cho vay đối với những lĩnh vực ưu tiên vì lãi suất quá thấp, lợi nhuận quá eo hẹp; hiện nay chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra ròng ở Việt Nam khoảng 2% sau khi trừ đi tất cả chi phí chung. Nếu giảm tiếp, các ngân hàng sẽ không thể chịu nổi”.
Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, cơ sở để NHNN quyết định giảm lãi suất là lạm phát 6 tháng đầu năm cũng như kỳ vọng lạm phát đến cuối năm nay ở mức khá thấp. Thông thường, NHNN có quyết sách để điều chỉnh cả trần lãi suất huy động đầu vào rồi mới làm đến đầu ra. Tuy nhiên, nếu điều chỉnh sẽ dẫn đến hệ lụy tiền chảy sang kênh khác, gây nên rủi ro và cũng khó huy động vốn cho hệ thống ngân hàng, nhất là trong bối cảnh huy động vốn trong hệ thống ngân hàng không đạt mức cao trong 6 tháng đầu năm. Đó cũng là lý do vì sao NHNN thận trọng giảm lãi suất một cách dè dặt như vậy.
“Nếu giảm lãi suất như vậy, tín dụng cũng không thể tăng nhanh quá vì lãi suất chỉ giảm ở 5 lĩnh vực ưu tiên. Thời gian qua tăng trưởng tín dụng cho 5 lĩnh vực đó không phải quá cao, chỉ khoảng 12%-14%, nên vẫn còn dư địa để tăng trưởng tín dụng cho những lĩnh vực đó. Hơn nữa, theo tôi hiểu, NHNN sẽ phải điều hành tăng trưởng tín dụng năm nay xoay quanh mức 18%, nên tăng trưởng tín dụng sẽ không bị quá nóng”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.
Câu hỏi đặt ra là tại sao NHNN không để các ngân hàng thương mại (NHTM) tự điều chỉnh lãi suất theo tín hiệu của thị trường mà phải dùng mệnh lệnh hành chính. TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Tài chính Ngân hàng, cho biết bản thân ông từng kiến nghị NHNN gỡ bỏ trần lãi suất cũng như các chỉ tiêu tín dụng. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay, thị trường tài chính còn nhiều biến động, rủi ro và phức tạp, nên vẫn cần thiết phải dùng mệnh lệnh hành chính.
“NHNN hiểu rằng nếu không dùng mệnh lệnh hành chính, có lẽ sẽ rất khó để các NHTM giảm lãi suất. Tất nhiên tính cạnh tranh trong hệ thống ngân hàng đã tăng lên rất nhiều so với trước đây”, ông Cấn Văn Lực nói.
Theo Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, giảm lãi suất cũng là mong muốn của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Đánh giá về động thái mới đây của NHNN, TS. Thành cho rằng cơ quan này đã thực thi khá thận trọng khi: không tăng thêm các biện pháp hành chính để xử lý, thay vào đó, NHNN sử dụng hai công cụ quan trọng là tái cấp vốn và chiết khấu; NHNN cũng chưa vội hạ trần lãi suất huy động; việc giảm lãi suất cho vay cũng chỉ áp dụng cho một số lĩnh vực ưu tiên, trước đây NHNN cũng đã dùng các công cụ tiền tệ để hỗ trợ những lĩnh vực này. Cuối cùng, tăng trưởng tín dụng không nên vượt quá 18%.
“Ở đây có 2 vấn đề để NHNN lựa chọn, gồm tính kỷ luật của thị trường gắn với cải cách; chi phí điều chỉnh. Dù bất kỳ tình huống nào, NHNN phải làm tốt việc bám sát tình hình và phải rất minh bạch với thị trường”, TS, Võ Trí Thành nói.