Giảm lãi suất, nợ xấu tác động gì đến TTCK?
Tại buổi Tọa đàm “VN-Index cao nhất 9 năm – Chứng khoán Việt Nam trước những kỳ vọng mới” do Báo điện tử BizLive tổ chức chiều 22/07/2017, ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Sở Giao dịch Chứng khoán thành phố Hồ Chí Minh (HSX) cho biết, vốn hóa của thị trường chứng khoán (TTCK) đã đạt hơn 2,5 triệu tỷ đồng, tăng 25,7% so với cuối năm 2016, tương đương 56,4% GDP. Tổng mức huy động trên thị trường thông qua phát hành cổ phiếu, đấu giá cổ phần hóa và đấu thầu trái phiếu Chính phủ đạt 131 nghìn tỷ đồng.
Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều có sự tăng trưởng vượt bậc những tháng đầu năm. Đến đầu tháng 7, VN-Index đã đạt mức đỉnh trong 9 năm trở lại đây, tăng khoảng 17% so với đầu năm 2017 và HNX-Index tăng hơn 23%.
Ông Trần Đắc Sinh, nguyên Chủ tịch Sở GDCK thành phố Hồ Chí Minh. |
Đánh giá về nền tảng của mức tăng này, Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng TTCK Việt Nam đã có những khởi sắc dựa trên nền tảng chính sách rõ ràng, kinh tế hội nhập sâu rộng.
“Trong các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký, không chỉ ký về thuế mà còn nhiều cam kết về mặt nhà nước như bảo hộ, đầu tư, chống tham nhũng, môi trường tham gia cam kết rất rõ ràng,” TS. Lê Đăng Doanh nói.
Cũng theo ông Doanh, Chính phủ đã có những nỗ lực vượt bậc trong việc khuyến khích doanh nghiệp tư nhân, cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ gần đây đã yêu cầu 700 DNNN đã cổ phần hoá mà chưa niêm yết phải lên sàn. Do đó, khả năng vốn hoá sẽ tăng lên, sự hấp dẫn cũng tăng lên.
Tuy nhiên, TS. Lê Đăng Doanh cảnh báo, nền kinh tế Việt Nam dựa nhiều vào ngành công nghệ chế biến, chế tạo, đó là những lĩnh vực dựa nhiều vào khu vực FDI với trên 50% sản lượng công nghiệp, trên 71% tổng kim ngạch xuất khẩu, trong đó Samsung chiếm rất lớn.
“Tôi xin lưu ý rằng GDP mà chúng ta ghi nhận từ xuất khẩu có một khoảng cách đáng kể với GNI (gross net income). Các nhà đầu tư nước ngoài có thể chuyển dòng tiền về quê hương họ. Các ngành công nghiệp khai khoáng có sự giảm sút đáng kể”.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh và Nguyễn Trí Hiếu tại Tọa đàm. |
Một vấn đề nữa được chuyên gia Lê Đăng Doanh nêu ra là việc các lãnh đạo DNNN e ngại việc thực hiện đầu tư do tâm lý e ngại nếu làm gì khác thường so với quy định họ rất có thể sẽ gặp khó khăn, “hôm nay là người hùng, ngày mai có thể là tội đồ”. Theo đó, cần cải cách hành chính, giảm bớt chi phí thời gian và tiền bạc cho doanh nghiệp thì nền kinh tế Việt Nam thực sự phát triển và thị trường chứng khoán mới cất cánh.
Mặc dù vậy, ông Lê Đăng Doanh cũng bày tỏ sự lạc quan vào TTCK từ nay đến cuối năm 2017 với những nền tảng cơ bản như đã nêu trên.
Tuy nhiên, Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc thị trường giảm điểm trong vài phiên gần đây cho thấy thị trường vẫn chưa ổn định, nếu khối ngoại rút ra thì thị trường sẽ có biến động mạnh. Bên cạnh đó, con số 600 nghìn tỷ đồng nợ xấu và có nguy cơ thành nợ xấu, tương đương với vốn chủ sở hữu của các ngân hàng cũng là vấn đề cần lưu ý.
“Nếu chỉ 50% nợ xấu không thu hồi được thì vốn chủ sở hữu của các ngân hàng sẽ tụt hơn rất nhiều, xuống dưới mức an toàn. Nhìn thấy sự tiến triển của nền kinh tế, chúng ta có quyền lạc quan nhưng cũng nên cẩn trọng trong các vấn đề chứng khoán,” TS. Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo.
Cũng theo ông Nguyễn Trí Hiếu, NHNN nên cẩn trọng với vấn đề tăng trưởng tín dụng. Việc NHNN điều chỉnh giảm lãi suất điều hành 0,25% là lãi suất sử dụng trên hệ thống liên ngân hàng. Trong khi đó, các ngân hàng hiện không cho nhau vay nhiều, do đó việc sử dụng lãi suất điều hành có tác động nhưng không nhiều.
“Còn lãi suất cho vay giảm 0,5% cho các lĩnh vực ưu tiên dĩ nhiên chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế nhưng rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực đó là vừa và nhỏ, vốn đã rất khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng. Vì vậy, dù lãi suất có giảm thì họ cũng rất khó khăn trong việc cho vay bởi các ngân hàng còn phải trả lời cổ đông về bài toán rủi ro-lợi nhuận. Rủi ro cao thì lãi suất phải cao chứ”.
Theo đó, ông Hiếu cho rằng lãi suất không có tác động nhiều nên không xem việc giảm lãi suất là nới lỏng chính sách tiền tệ.