‘Giám đốc nghìn tỷ’ đi bán sim số dạo

Lãnh đạo một chi nhánh Việt Nam có doanh thu 1.200 tỷ đồng sẵn sàng đi xe máy 275km (150km là đường đất), bán sim số dạo ở vùng quê nghèo để mở thị trường mới tại Lào.

Trước khi Unitel (liên doanh của Viettel với một công ty Lào) đi vào hoạt động, điện thoại di động chỉ phổ biến ở khu vực thành phố. Người Lào chưa từng thấy cảnh nhân viên nhà mạng đi bán sim số rong ngoài đường như rao vé số bởi viễn thông là ngành dành cho những VIP. 

Họ cũng không thể tưởng tượng được việc các đại gia viễn thông lại mò mẫm về những vùng quê nghèo chưa có điện lưới để mời chào người dân dùng điện thoại di động. Thế nhưng, mọi việc bắt đầu thay đổi từ tháng 10/2009 khi Unitel chính thức hoạt động. 

‘Giám đốc nghìn tỷ’ đi bán sim số dạo - ảnh 1

Mạng di động có yếu tố Việt Nam đã phủ sóng khắp các vùng nông thôn nghèo tại Lào. Ảnh: Huy Nguyễn.

Giám đốc ‘nghìn tỷ’ đi xe máy 

Tháng 5/2013, Nguyễn Huy Quang – Phó giám đốc Viettel Đăk Lăk (chi nhánh có doanh thu mỗi năm 1.200 tỷ đồng) sang nhận nhiệm vụ mới tại Unitel Luông Pha Băng (Lào). Khi Quang tới đây, Unitel đã là nhà mạng số 1 tại Lào với 49% thị phần viễn thông trên toàn quốc. So với doanh thu của chi nhánh Viettel Đăk Lăk (Việt Nam), Luông Pha Băng chỉ đạt khoảng 8 triệu USD hay 160 tỷ đồng/năm. 

Thêm vào đó, lãnh đạo và nhân viên của công ty này cũng không hề có vẻ ung dung và hào nhoáng của một ông lớn viễn thông như nhiều người hình dung. Nhận nhiệm vụ ở một chi nhánh có quy mô nhỏ hơn rất nhiều nhưng độ khó của Luông Pha Băng vượt xa Đăk Lăk. 

“Ở Việt Nam, bộ máy và hệ thống hoàn chỉnh hơn, địa hình cũng không hiểm trở như ở đây, lại là nơi thân thuộc nên mọi thứ thuận hơn”, Quang tâm sự.

 Ở bất cứ nơi đâu, các lãnh đạo của Viettel đều phải đi tiên phong bán hàng ở những điểm phủ sóng mới nhưng Luông Pha Băng là vùng đầu tiên mà Quang phải đi xe máy tới 275 km, trong đó 150 km là đường đất. Nếu trời mưa, những vùng này không thể vào được. Ngoài ra, đường đi còn có đoạn leo núi mà đường chỉ có bề rộng 1,2m với một bên là vực thẳm… 

‘Giám đốc nghìn tỷ’ đi bán sim số dạo - ảnh 2

Nguyễn Huy Quang, Giám đốc Unitel Luông Pha Băng. Ảnh: NVCC

“Các anh lãnh đạo trước đều làm vậy cả mà còn khó khăn hơn rất nhiều khi mới mở mạng, chẳng ai biết đến Unitel là cái gì. Chứ mình bây giờ so với các anh ấy là ‘thiên đường’ rồi”, chàng thanh niên mới được bổ nhiệm làm Giám đốc Unitel vùng Luông Pha Băng (năm 2014) chia sẻ. Anh cho biết thêm, ngay cả tổng giám đốc và phó tổng giám đốc Unitel cũng phải tự đi đến các vùng như vậy để làm tiếp thị, bán hàng làm gương cho nhân viên. 

Nếu nhìn Quang đi tiếp thị, bán hàng ở các vùng sâu, vùng xa, sẽ ít người nghĩ đó là giám đốc Unitel vùng Luông Pha Băng. Thanh niên sinh năm 84 này cùng các nhân viên Lào đeo loa ở hông, với mic đi quảng cáo, bán dạo sim thẻ… ở những vùng quê rất nghèo. “Làm cái này không có nhiệt huyết thì khó lắm. Các anh đi trước bảo nếu có nhiệt rồi thì chơi được hết, chẳng có việc gì là khó cả, chỉ có dám làm và kiên trì hay không thôi”, 8x này nói. 

Di động ở nơi không có điện 

Khi tìm hiểu về kinh doanh di động tại Luông Pha Băng, phóng viên Zing.vn phát hiện ra một điều khó tin về Unitel. Đây là mạng viễn thông duy nhất ở Lào phủ sóng ở cả những vùng chưa có điện lưới quốc gia (chiếm tới 10% diện tích Luông Pha Băng – gần 1.700 km2). Thử hình dung ở những vùng còn chưa có điện, buổi tối nhà nhà phải thắp đèn dầu, đời sống người dân còn nghèo nhưng điện thoại di động thì rất nhiều người sử dụng mới thấy được khả năng khai thác thị trường của hãng viễn thông này. 

Tại nhiều quốc gia đang phát triển (trong đó có Việt Nam), di động một thời được coi là biểu tượng của công nghệ cao và dịch vụ dành cho giới nhà giàu. Trong khi đó, việc có điện chỉ biểu hiện mặt bằng sinh hoạt tối thiểu để không lâm vào tình trạng nghèo đói, lạc hậu. Thế nhưng, tại Luông Pha Băng, người dân chưa có điện nhưng vẫn có di động gọi í ới mỗi ngày. Cũng vì thế, việc Unitel có thể đem di động tới mọi nhà trong điều kiện nhiều vùng còn chưa phủ lưới điện có thể coi như một điều rất đặc biệt. 

‘Giám đốc nghìn tỷ’ đi bán sim số dạo - ảnh 3

Quang (thứ 2 từ trái qua) trong một lần đi bán hàng ở vùng xa. Ảnh: NVCC.

Thế nhưng, với Quang và những lãnh đạo, nhân viên Unitel khác tại đây, họ không để ý đến việc tạo ra điều đặc biệt hay không. “Unitel cần phát triển mạnh hơn mỗi ngày để đáp ứng kế hoạch đặt ra thì cần khai thác thị trường còn trống. Giờ còn nơi đâu chưa dùng thì mình cần tìm ra cách để vào nơi đó. Việc có vậy thôi”, Quang chia sẻ. 

Tại những làng bản ở Luông Pha Băng chưa có điện lưới, các trạm thu phát sóng đều phải chạy bằng máy nổ, ắc quy; còn sim thẻ, điện thoại cố định không dây (Unihome) được nhân viên Unitel phân phối tận nơi – điều mà không một hãng viễn thông nào tại Lào thực hiện. Đây cũng chính là những nơi chưa có đường nhựa, phải đi qua núi và chỉ có thể vào bằng xe máy khi trời không mưa với quãng đường lên tới hàng trăm km. Thế nhưng, Quang thì giải thích đơn giản: “Chiến lược của các anh ấy (lãnh đạo Unitel) là ‘Lấy nông thôn vây thành thị’ mà”.

 Hiện tại, ở Luông Pha Băng, Unitel chiếm thị phần viễn thông (gồm di động và cố định không dây) lớn nhất nhưng riêng thị phần di động, Unitel chiếm 42%, vẫn thấp hơn 3% so với một mạng khác. Nhiệm vụ của Quang và những đồng nghiệp của mình tại vùng này là trong năm 2014 phải san bằng được khoảng cách nói trên. “Điện thoại cố định không dây (Unihome) thì mình chiếm tới 87% rồi, nhưng còn di động nữa thì phải cố. Nếu được tập trung đầu tư 3G tốt thì mình tin là sẽ đạt được mục tiêu thôi”, chàng giám đốc tâm sự. Tại Unitel, Quang thuộc thế hệ lãnh đạo người Việt kế tiếp (sau lớp đầu tiên đi mở đường tại đất nước triệu voi). 

So với những người Việt Nam đầu tiên đến đây, Quang và đồng nghiệp của mình được hưởng những thành quả lớn từ những ngày đầu khó khăn gây dựng khi Unitel đứng bét bảng trong số các hãng viễn thông tại Lào. Với thế hệ lãnh đạo người Việt kế tiếp tại công ty này, khó khăn của họ là làm gì để vượt lên vị trí hãng viễn thông số 1 của Lào mà những người tiền nhiệm đã đạt được.

Theo Zing.vn

Tuyên Quang: Tài xế tố bị giữ xe, đòi tiền chuộc 500 triệu đồng

Một vụ việc có dấu hiệu cưỡng đoạt tài sản và chiếm giữ phương tiện trái pháp luật đang gây bức xúc trong giới vận tải.

2 giải đấu Taekwondo kịch tính trong tuần lễ thể thao của CJ K Festa 2025

Những bài quyền đẹp mắt, những trận đối kháng đỉnh cao thể hiện sức mạnh và tinh thần võ đạo thu hút khán giả tại 2 giải Taekwondo đang diễn ra tại TP.HCM.

Báo chí Việt Nam: Đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Sáng nay (19/6), tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam khai mạc Hội báo toàn quốc năm 2025 với chủ đề “Báo chí Việt Nam – Trung thành, Sáng tạo, Bản lĩnh, Đổi mới vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

SHB - nơi yêu thương lan tỏa, sự sẻ chia chạm đến trái tim

Giữa guồng quay cuộc sống, có những câu chuyện lặng lẽ nhưng ấm áp, có những bàn tay đưa ra đúng lúc, có những tấm lòng rộng mở đồng hành... Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), những điều tử tế vẫn luôn hiện hữu, chạm đến trái tim mọi người.

Diễn viên Võ Hoài Nam: 5 bố con luôn an tâm khi có bà xã quán xuyến

Diễn viên Võ Hoài Nam nói bao nhiêu năm nay bà xã kém 12 tuổi luôn là hậu phương lo lắng mọi thứ cho 5 bố con nên anh rất yên tâm.

Cô gái Nam Định vẽ tranh bằng 'đôi tay' đặc biệt, nuôi ước mơ thành họa sĩ

“Tôi không quyết định được hình hài mình sinh ra nhưng tôi có quyền chọn cách sống”, câu nói ấy đã trở thành động lực, giúp Thơm vượt qua giới hạn của cơ thể, dùng “đôi tay” đặc biệt vẽ lên cuộc đời đầy ý nghĩa.

Bố mẹ mất sớm, cô gái Hải Dương oà khóc khi được anh chị đưa đi ‘hỏi vợ’

Ngày anh chị nhận lời đứng ra lo chuyện cưới hỏi, cô gái Hải Dương xúc động đến bật khóc.

Cử nhân thất nghiệp về quê làm ông chủ vườn ‘cây tỷ đô’

Tốt nghiệp Trường Đại học Thể dục - Thể thao nhưng không xin được việc, anh Đỗ Trọng Học gác lại tấm bằng cử nhân về nhà trồng “cây tỷ đô”, thu nhập nửa tỷ đồng mỗi năm.

Niềm tự hào của người SHB

Ngân hàng SHB không chỉ là một tổ chức tài chính, mà còn là nơi nuôi dưỡng và lan tỏa những giá trị nhân văn cao đẹp, nơi mỗi cán bộ nhân viên tìm thấy niềm vui, sự gắn bó và tự hào.

Làm việc ở Hà Nội, nam giảng viên vẫn chọn về quê sống, mỗi ngày đi hơn 100km

Làm việc ở Hà Nội nhưng anh Thành vẫn chọn về quê sống 16 năm nay. Mỗi ngày, anh vừa đi vừa về hết hơn 100km.

Đang cập nhật dữ liệu !