Giám đốc CATP.HCM: Công tác bảo vệ cho cuộc bầu cử không đơn giản
Trung tướng Lê Đông Phong báo cáo trước hội nghị. |
Hàng loạt âm mưu chống phá
Trình bày tại hội nghị, Trung tướng Lê Đông Phong – Giám đốc Công an Thành phố (CATP) cho rằng thực tế công tác bảo vệ cho cuộc bầu cử lần này không đơn giản mà tiềm ẩn những vấn đề rất phức tạp vì phạm vi rộng, đối tượng cần bảo vệ đông, trong khi đó âm mưu, ý đồ của các thế lực thù địch trong và ngoài nước rất rõ nét, gay gắt.
Theo Tướng Phong, các thế lực phản động trong và ngoài nước đã xác định sự kiện này là thời cơ thuận lợi để chống phá, tác động, gây sức ép với Đảng, Nhà nước nhằm thúc đẩy việc xây dựng và công khai hình thành “xã hội dân sự” tại nước ta.
“Do đó các đối tượng này đẩy mạnh các hoạt động từ tuyên truyền, xuyên tạc chính sách của Đảng và Nhà nước trong công tác bầu cử, các chính sách hoạt định về kinh tế, chính trị, văn hóa… đến những hoạt động chống phá cụ thể trên cả môi trường mạng và thực địa với âm mưu “Không để bầu cử diễn ra” hay “Bầu cử diễn ra nhưng không có kết quả” – Tướng Phong nói.
Giám đốc CATP nhận định, qua theo dõi ông thấy các hoạt động phá hoại đều được thực hiện theo đúng lộ trình, kịch bản, với cường độ hoạt động ngày càng công khai, nhiều hơn so với thời gian trước.
“Tổ chức phản động lưu vong còn phát tán phầm mềm “Lá phiếu” để đăng tải thông tin phân loại về các ứng viên, kêu gọi mọi người cài đặt và bỏ phiếu cho ứng viên tự do, ứng viên trung lập, bỏ phiếu trắng cho ứng viên chính quyền giới thiệu” – Tướng Phong nói về một trong số các hình thức được các tổ chức phản động sử dụng.
Cũng theo Tướng Phong, các đối tượng còn lợi dụng tất cả những sự kiện đột xuất trên các lĩnh vực quản lý nhà nước, tài nguyên môi trường… xảy ra trong thời gian này để kích động người dân và tổ chức tụ tập, biểu tình gây rối cùng lúc tại nhiều địa phương trên cả nước.
Một điểm đáng lưu ý là ngày bầu cử (22/5) còn trùng với thời điểm Tổng thống Mỹ qua thăm và làm việc tại Việt Nam và TP.HCM, khiến yêu cầu bảo vệ an ninh cùng lúc cho hai sự kiện quan trọng này rất khó khăn.
Vị Giám đốc Công an TP (bên trái) trò truyện với các sỹ quan cấp dưới trong giờ giải lao. |
Bốn bài học kinh nghiệm
Chính từ những hoạt động trên, CATP đã tổng kết lại và đưa ra những bài học kinh nghiệm lớn. Theo đó đầu tiên là bài học về việc quán triệt nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, từ đó xác định những vấn đề, yếu tố phức tạp có thể ảnh hưởng đến công tác bầu cử.
Thứ hai là thực hiện tốt công tác bảo vệ nội bộ và tổ chức rà soát, tham mưu cho Ủy ban bầu cử các cấp lựa chọn, giới thiệu những thành phần ưu tú, tiêu biểu ra ứng cử để tạo sự ổn định ngay từ cơ sở.
Số liệu thống kê cho thấy CATP và các đơn vị trực thuộc đã mở đợt tổng điều tra, rà soát trên 18.000 trường hợp ứng cử đại biểu các cấp, và đã báo cáo rõ những trường hợp có lịch sử phức tạp, vi phạm pháp luật.
Điều thứ ba theo ông Phong là cần nắm chắc âm mưu và thủ đoạn của các thế lực thù địch, từ đó chủ động, linh hoạt trong triển khai các phương án đấu tranh, ngăn chặn ngay từ đầu các âm mưu phá hoại hoặc các vấn đề phức tạp phát sinh.
Qua những biện pháp này, CATP cho biết đã xử lý kịp thời hai vụ tuần hành, lợi dụng danh nghĩa “bảo vệ môi trường” để gây rối an ninh trật tự. Ngoài ra nơi này đã lập hồ sơ 415 đối tượng quá khích, manh động, phát hiện và thu hồi nhiều tài liệu có nội dung xấu, kêu gọi không đi bầu cử.
Bài học cuối cùng mà Tướng Phong nhắc đến là sự phối hợp nhịp nhàng giữa lực lượng công an và lực lượng quân sự trong suốt quá trình bầu cử. Ông coi đây là yếu tố “rất quan trọng” góp phần vào thành công chung của công tác bảo vệ sự kiện này.