Giải quyết hài hòa các mối quan hệ trong phát triển kinh tế du lịch
Ngày 02/04, Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong lĩnh vực du lịch trong tình hình mới.
Chỉ thị nêu rõ, thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Việt Nam ngày càng phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao hình ảnh, vị thế quốc gia.
Kết quả đó là nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, sát sao của Đảng, Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp trong xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch, môi trường du lịch thân thiện, văn minh, an ninh, an toàn. Công tác bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội nói chung và trong lĩnh vực du lịch nói riêng đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường an ninh, an toàn phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư nước ngoài và khách du lịch quốc tế.
Tuy nhiên, công tác này còn một số tồn tại, hạn chế. Tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến nhanh chóng, phức tạp và khó lường. Các nước lớn điều chỉnh chiến lược, vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, kiềm chế lẫn nhau. Những vấn đề toàn cầu và an ninh phi truyền thống (an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh...) tác động nhiều mặt đến kinh tế, chính trị, an ninh của quốc gia, trong đó có sự phát triển bền vững của ngành du lịch.
Nguy cơ khủng hoảng tài chính, bất ổn xã hội, cạnh tranh chiến lược và địa chính trị ngày càng quyết liệt, tiếp tục làm chia rẽ sâu sắc quan hệ quốc tế, tác động trực tiếp đến chính sách đối ngoại của các nước và làm thay đổi căn bản hoạt động du lịch quốc tế. Xu hướng dịch chuyển làn sóng đầu tư và ứng dụng công nghệ số, thương mại điện tử trong lĩnh vực du lịch cùng với hiệu ứng từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ tạo ra cả cơ hội lẫn thách thức đan xen đối với sự phát triển của du lịch Việt Nam.
Du lịch trên sông Son thuộc VQG Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình). Ảnh: Dương Vũ Linh. |
Đại dịch COVID-19 sẽ vẫn còn diễn biến phức tạp, tiếp tục tác động tiêu cực đến kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, trong đó du lịch là một trong số những ngành dịch vụ chịu thiệt hại nặng nề nhất. Tuy nhiên, dịch COVID-19 đem đến cơ hội để tái cơ cấu và tập trung giải quyết triệt để những hạn chế, bất cập trong ngành du lịch. Đồng thời, khi dịch bệnh được kiểm soát, xu hướng mở cửa, thu hút đầu tư, đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh để phát triển du lịch được đẩy mạnh, tất yếu dẫn đến nhiều hệ lụy về an ninh, xã hội và môi trường. Đây cũng là điều kiện thuận lợi để các thế lực thù địch, các loại tội phạm lợi dụng con đường du lịch để tiến hành các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội với tính chất, mức độ, thủ đoạn ngày càng tinh vi, nguy hiểm hơn.
Để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế du lịch với bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn tình trạng người Việt Nam xuất cảnh, di cư trái phép, cư trú và lao động bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước ngoài trong tình hình hiện nay.
Chủ động phòng ngừa, kịp thời phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, vô hiệu hóa âm mưu, hoạt động của các thể lực thù địch, phản động lợi dụng du lịch để xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn trật tự an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch; phòng, chống gian lận thương mại, chống thất thu thuế, rửa tiền, ô nhiễm môi trường; xử lý dứt điểm các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội tại các địa bàn trọng điểm về du lịch, tạo môi trường lành mạnh, an toàn góp phần phát triển du lịch bền vững; triển khai các giải pháp về bảo đảm an ninh du lịch từ khâu lập quy hoạch phát triển du lịch bền vững đến nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, xử lý những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình phát triển du lịch tại địa phương.
Tăng cường công tác bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ bí mật nhà nước; chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn hoạt động của nước ngoài tác động vào nội bộ ta qua đường du lịch; phòng, chống tình trạng tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm trong lĩnh vực du lịch. Đẩy mạnh Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng điển hình tiên tiến trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học về du lịch.
Thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân về âm mưu, phương thức, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm trong lĩnh vực du lịch, tạo thế trận an ninh nhân dân vững chắc.
Hiền Anh