Giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp xuất khẩu vào các thị trường FTA
Đánh giá tình hình xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang hầu hết các thị trường trong khối EU đều ghi nhận sự tăng trưởng tốt, cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu vào EU cũng có xu hướng mở rộng và ngày càng đa dạng hóa, song bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian tới, doanh nghiệp xuất khẩu sẽ phải đối mặt với hàng loạt rào cản kỹ thuật mới.
Đơn cử, EU ngày càng đòi hỏi các quy trình sản xuất sạch hơn với lượng phát thải CO2 ít hơn. Tới năm 2026, các nhà nhập khẩu EU sẽ công bố sản lượng nhập khẩu cùng lượng khí thải tương ứng của năm trước đó, song song với các chứng chỉ CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon). Bên cạnh đó, người tiêu dùng cũng ngày càng ưa chuộng sử dụng hàng hóa xanh như sử dụng vật liệu và bao bì tái chế, thân thiện môi trường.
Vì thế, để có thể gia tăng kim ngạch xuất khẩu vào mạng lưới thị trường FTA, theo bà Hiền, doanh nghiệp nên đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, gia tăng các sản phẩm trên các thị trường ngách, có lợi thế cạnh tranh.
Cùng với đó, ngoài việc chủ động kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn và quy định nhập khẩu của EU, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng truy xuất nguồn gốc, đáp ứng quy tắc xuất xứ để được hưởng các ưu đãi từ Hiệp định EVFTA.
Ngoài ra, cần nghiên cứu đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, các quy chuẩn thực hành tốt trong sản xuất, tăng cường chế biến sâu để gia tăng giá trị sản phẩm và sức cạnh tranh. Nỗ lực xanh hóa sản xuất, thực hiện các trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường cần được chú trọng hơn nữa.
Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM cho biết, hiện ngành gỗ có khoảng 14 triệu ha rừng, trong đó có 4 triệu ha rừng sản xuất. Nếu quy hoạch tốt, chúng ta có thể đảm bảo 60% nguyên liệu, phần hụt có thể thiếu bù đắp từ Mỹ, Chile. Do đó, các doanh nghiệp không chỉ đảm bảo tiêu chí môi trường trong nước, mà cả trên toàn cầu, và việc nhập khẩu gỗ phải đảm bảo nguồn gốc.
Theo ông Phương, với các yêu cầu về môi trường, về lao động, hay nguồn gốc xuất xứ, mặc dù là rào cản kỹ thuật, nhưng đây là cơ hội để nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Khi doanh nghiệp vượt qua được những yêu cầu này sẽ tạo ra bước tiến mới.
Vì thế, bên cạnh chấp hành các quy định về nguồn gốc, doanh nghiệp cũng phải hướng tới phát triển bền vững, hạn chế phát thải các bon; bởi lẽ sự cấp bách của biến đổi khí hậu cũng như sự thay đổi xu hướng của người tiêu dùng đang tạo áp lực khiến hàng loạt các luật về môi trường tại châu Âu nhanh chóng đi vào thực tế. Nếu các doanh nghiệp không có sự chuẩn bị và xoay sở kịp sẽ phải chịu mất cơ hội, thị trường.
Ông Jean - Jacques Bouflet, Phó chủ tịch EuroCham cũng cho rằng, để tăng xuất khẩu các sản phẩm sang thị trường châu Âu, doanh nghiệp Việt phải thể hiện cam kết mạnh mẽ về phát triển xanh, sẵn sàng, nỗ lực cung cấp các sản phẩm sạch, giảm thải carbon trong quy trình sản xuất.
Đơn cử, tại thị trường EU, dệt may là một trong những nhóm sản phẩm chủ lực bị tác động đáng kể nhất khi sẽ phải tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn ngặt nghèo hơn khi mới đây EU đã công bố chiến lược dệt may tuần hoàn. Hay với mặt hàng đồ gỗ của Việt Nam, muốn tăng trưởng xuất khẩu cũng cần phải đáp ứng các điều kiện như giấy phép VPA/Flegt, giấy phép CITES, các tiêu chuẩn ESG về môi trường, xã hội và quản trị; phát thải CO2…
Liên quan đến phát triển xuất khẩu bền vững, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ban hành Quyết định số 493 phê duyệt Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030. Theo đó, định hướng xuất khẩu hàng hoá yêu cầu phát triển xuất khẩu bền vững, phát huy lợi thế so sánh và chuyển đổi mô hình tăng trưởng hợp lý theo chiều sâu, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, bảo vệ môi trường sinh thái và giải quyết tốt các vấn đề xã hội.
Khôi Nguyên