Giá xăng tăng không phải do thuế môi trường?
Theo tính toán, với mức giá cơ sở hiện nay, mỗi lít xăng đang phải gánh 40% là thuế (thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng). Trong đó, riêng thuế bảo vệ môi trường, sau khi tăng lên 3.000 đồng, chiếm gần 15% giá cơ sở.
Tuy nhiên, Cục Quản lý Giá khẳng định, việc tăng giá xăng dầu trong 2 đợt điều hành giá từ đầu tháng 5 tới nay, với mức tăng tổng cộng trên 3.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, không phải do tác động từ tăng thuế bảo vệ môi trường.
“Phương án điều hành giá xăng dầu thời gian qua thực hiện đúng theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và phụ thuộc vào biến động tăng giá xăng dầu thế giới, hoàn toàn độc lập với việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ ngày 01/5/2015 vừa qua” – Cục Quản lý Giá khẳng định.
Theo Cục Quản lý giá, sở dĩ khẳng định như vậy là do việc điều chỉnh tăng thuế bảo vệ môi trường đã được Liên Bộ tính toán kỹ lưỡng, không làm tăng giá xăng, dầu trong nước thông qua việc tính toán tương tác giữa thuế nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường trong cơ cấu giá cơ sở.
Giá xăng đã tăng tổng cộng gần 3.200 đồng/lít sau 2 đợt điều chỉnh từ đầu tháng 5 |
Cũng theo cơ quan này, thuế nhập khẩu các mặt hàng dầu đã được điều chỉnh giảm từ 2%-7% tùy từng chủng loại. Ngoài ra, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng được phép sử dụng Quỹ Bình ổn giá để góp phần kiềm chế mức độ tăng giá bán đối với mặt hàng xăng dầu trong nước, sử dụng từ 324 đồng/lít đến 1.054 đồng/lít đối với tùy từng mặt hàng xăng, dầu.
Sau khi giảm thuế và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu như trên, phần chênh lệch còn lại điều chỉnh tăng giá bán các mặt hàng xăng dầu từ 500 đồng/lít, kg đến 1.200 đồng/lít, kg; riêng mặt hàng dầu hỏa giảm giá bán 64 đồng/lít.
“Giá xăng dầu trong nước được điều hành sát với biến động của giá thế giới, hoàn toàn độc lập với việc điều chỉnh thuế bảo vệ môi trường từ ngày 1/5”- Cục Quản lý Giá nhấn mạnh.
Liên quan tới tác động của 2 đợt tăng giá xăng tới chỉ số lạm phát, Cục trưởng Cục Quản lý Giá Nguyễn Anh Tuấn thừa nhận, việc tăng giá xăng có tác động nhất định đến mặt bằng giá cả. Song, theo ông Tuấn, mức tăng giá trong tháng 5 và 6 chỉ tăng nhẹ, không có đột biến, bởi khi điều hành giá các mặt hàng trên cơ quan quản lý đã cân nhắc và tính toán kỹ để tác động đến lạm phát, đời sống người dân là thấp nhất…
Trao đổi với Infonet bên lề hành lang Quốc hội ngày 21/5, sau đợt tăng giá xăng thêm 1.200 đồng/lít vào tối 20/5, nhiều ĐBQH kiến nghị cần có một giám sát chuyên đề đối với giá xăng dầu, nhằm tránh thực trạng “tăng nhanh, giảm chậm” và tăng ngược chiều thế giới.
“Tôi nghĩ rằng, Quốc hội nên có một giám sát chuyên đề về giá xăng dầu vì đây là vấn đề thiết yếu trong đời sống hằng ngày và được nhân dân rất quan tâm”, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP.Hồ Chí Minh) nêu quan điểm. Ông Ngân cũng đề nghị, nên rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu, vì thế giới điều chỉnh từng ngày, còn Việt Nam lại kéo dài tới 15 ngày.
Việc điều chỉnh liên tục cũng góp phần tạo ra thói quen cho người dân về sự lên, xuống của giá xăng. Chỉ có như thế mới không tạo ra những cú sốc về giá. Vấn đề là làm sao giám sát được hiệu ứng đô-mi-nô từ giá xăng dầu đến giá cả khác.