Giá xăng dầu hôm nay 29/4: Hướng mốc 80 USD/thùng
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 21/4 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng RON 95 là 23.630 đồng/lít. Giá xăng E5 xuống mức 22.680 đồng/lít. Giá dầu diesel không cao hơn 19.390 đồng/lít. Giá dầu hỏa xuống 19.480 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/4 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 23.630 | - 610 |
Xăng E5 RON 92-II | 22.680 | - 490 |
Dầu diesel | 19.390 | - 750 |
Dầu hỏa | 19.480 | 250 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay tiếp đà tăng từ hôm qua.
Đến 10h53' hôm nay (ngày 29/4, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 79,54 USD/thùng, tăng 1,17 USD, tương đương 1,49% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI đạt 76,78 USD/thùng, tăng 2,02 USD, tương đương 2,7% so với phiên liền trước.
Hôm qua (28/4), giá dầu thế giới đảo chiều đi lên sau 4 phiên giảm liên tiếp.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 10h36' ngày 28/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở mức 78,51 USD/thùng, tăng 0,14 USD, tương đương 0,16% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI được giao dịch ở mức 74,86 USD/thùng, tăng 0,1 USD, tương đương 0,13% so với phiên liền trước
Đến 20h24' ngày 28/4 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 79,08 USD/thùng, tăng 0,71 USD, tương đương 0,91% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI đạt 75,16 USD/thùng, tăng 0,43 USD, tương đương 0,54% so với phiên liền trước.
Gá dầu thô tăng lên trong bối cảnh các dấu hiệu kinh tế trái chiều.
Theo Reuters, dữ liệu kinh tế của Mỹ được công bố vào ngày 27/4 cho thấy mức chi tiêu cho hàng hóa của nước này giảm nhiều hơn dự kiến. Tăng trưởng kinh tế của Mỹ đã chậm lại trong quý I/2023 dù số đơn xin trợ cấp thất nghiệp đã giảm trong tuần kết thúc vào ngày 22/4.
Thêm vào đó là tâm lý rủi ro lan rộng vượt khỏi lĩnh vực ngân hàng sau sự sa sút của Ngân hàng First Republic.
Một số nhà kinh tế cho hay, suy thoái kinh tế có thể gia tăng khi số liệu GDP quý I của Mỹ thấp hơn so với dự kiến. Hơn nữa, khả năng tăng lãi suất vào tháng tới cũng tác động mạnh đến giá dầu.
Giá dầu cũng được hỗ trợ khi dự trữ dầu thô và nhiên liệu của Mỹ giảm mạnh. Theo số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), dự trữ dầu thô của nước này đã giảm khoảng 6,1 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 21/4. Trong khi đó, các nhà phân tích dự đoán mức giảm chỉ vào khoảng 1,5 triệu thùng.
Trước đó, nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu đã đẩy giá xăng dầu “lao dốc không phanh”. Giá dầu hiện đã trượt khỏi mốc 80 USD/thùng.
Giá dầu cũng chịu sức ép khi giới đầu tư lo ngại về triển vọng tiêu thụ kém trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc phục hồi yếu hơn so với kỳ vọng.
Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak nhận định thị trường dầu mỏ đang ở mức cân bằng.
Ngày 27/4, phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng bảo trợ Viện Năng lượng Moskva, ông Novak cho rằng, thị trường dầu mỏ thế giới đã đạt đến sự cân bằng giữa cung và cầu. Do đó, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+) nhận thấy không cần thiết phải tiếp tục cắt giảm sản lượng khi nhu cầu của Trung Quốc thấp hơn dự kiến. Tuy vậy, OPEC+ vẫn có thể điều chỉnh chính sách sản lượng bất cứ lúc nào nếu thấy cần thiết.
Ông Novak cho biết, Nga đã đạt mục tiêu về mức sản lượng dầu trong tháng này sau khi thông báo cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày, tương đương 5% sản lượng dầu của Nga, cho đến cuối năm nay.
Trong tháng này, OPEC+ thông báo đã cắt giảm sản lượng tổng cộng 1,16 triệu thùng/ngày, đẩy giá dầu lên cao. Nhưng giá dầu đã giảm mạnh do những lo ngại về suy thoái kinh tế làm giảm nhu cầu.
Hạnh Nguyên