Giá xăng dầu hôm nay 16/3: Đà giảm chưa dừng, dầu Brent xuống dưới 75 USD/thùng
Giá dầu thế giới vẫn tiếp tục biến động rất mạnh. Giá của hai loại dầu phổ biến nhất thế giới đang lao dốc không phanh.
Hôm qua, giá dầu thế giới tăng nhẹ vào buổi sáng nhưng đến chiều tối lại giảm rất mạnh.
Cụ thể, sáng qua (15/3, giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent được giao dịch ở ngưỡng 78,4 USD/thùng, giá dầu WTI ở mức 72,29 USD/thùng. Mức giá này tăng nhẹ so với kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3, khi cả hai loại mặt hàng dầu thô WTI và Brent đều giảm mạnh với mức giảm lần lượt là 4,64% xuống 71,33 USD/thùng và 4,11% xuống 77,45 USD/thùng.
Tuy nhiên, đến chiều và tối qua, giá dầu lại quay đầu giảm. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 21h08' ngày 15/3 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent giao tháng 5 được giao dịch ở mức 74,37 USD/thùng, giảm 3,08 USD, tương đương 3,98% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI giao tháng 4 được giao dịch ở mức 68,34 USD/thùng, giảm 2,99 USD, tương đương 4,19% so với phiên liền trước.
Giá dầu sáng 15/3 phục hồi nhẹ sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) điều chỉnh tăng nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, trong năm nay. OPEC dự kiến nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ tăng 710.000 thùng/ngày vào năm 2023, tăng so với mức dự báo tháng trước là 590.000 thùng/ngày.
OPEC vẫn giữ nguyên dự báo về nhu cầu dầu của thế giới với mức tăng 2,32 triệu thùng/ngày, tương đương tăng 2,3% vào năm 2023.
Bên cạnh đó, các dữ liệu kinh tế mới của Trung Quốc mới được công bố có thể là yếu tố thúc đẩy giá dầu phục hồi nhẹ. Doanh số bán lẻ trong hai tháng đầu năm của Trung Quốc đã tăng 3,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm liền ba tháng trước đó. Đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc cũng tăng ở mức 5,5%, cho thấy những nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng của nước này. Đáng chú ý, lạm phát tiêu dùng ở Trung Quốc vào tháng 2 đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng một năm qua.
Cùng với đó, số liệu của Viện Dầu khí Mỹ mới công bố sáng 15/3 cho thấy tồn kho dầu thô thương mại tăng nhẹ nhưng tồn kho xăng và nhiên liệu chưng cất giảm khá mạnh. Đây có thể là dấu hiệu cho thấy nhu cầu cải thiện, từ đó hỗ trợ giá dầu.
Ngoài ra, giá dầu tăng nhẹ trong bối cảnh thị trường ghi nhận dữ liệu lạm phát tích cực từ Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 2 của Mỹ tăng 6% so với cùng kỳ 2022 nhưng đã giảm so với mức 6,4% được ghi nhận trong tháng 1.
Không ít người tin rằng dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt sẽ khiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) thận trọng hơn với các quyết định tăng lãi suất. Nhiều khả năng Fed sẽ chỉ thực hiện tăng lãi suất 25 điểm phần trăm vào cuộc họp chính sách tháng 3 thay vì mức dự báo 50 điểm phần trăm như trước đó.
Tuy nhiên, tối 15/3, giá dầu giảm trước dữ liệu cho thấy các công ty năng lượng đã bổ sung khoảng 1,2 triệu thùng dầu vào kho dự trữ dầu thô của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 10/3.
Giá dầu đi xuống khi vẫn có nhiều lo ngại về một cuộc suy thoái, khủng hoảng tài chính mới làm ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tiêu thụ dầu toàn cầu.
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay (16/3) được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành ngày 13/3 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Cụ thể, liên Bộ quyết định tăng 380 đồng trên mỗi lít xăng E5 RON 92, xăng RON 95 tăng 490 đồng/lít. Sau điều chỉnh, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 22.800 đồng/lít và xăng RON 95 là 23.810 đồng/lít.
Tương tự, các mặt hàng dầu cũng được điều chỉnh tăng. Theo đó, dầu diesel tăng 250 đồng/lít, giá bán không cao hơn 20.500 đồng/lít; dầu hỏa tăng 240 đồng/lít, giá bán lên 20.710 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Hạnh Nguyên