Giá xăng dầu hôm nay 15/5: Nối dài đà giảm từ tuần trước
Ở thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu hôm nay được áp dụng theo mức giá tại phiên điều hành chiều 11/5 của liên Bộ Tài chính - Công Thương.
Theo đó, giá xăng RON 95 là 21.000 đồng/lít. Giá xăng E5 xuống mức 20.130 đồng/lít. Giá dầu diesel ở mức 17.650 đồng/lít. Giá dầu hoả là 17.970 đồng/lít.
Giá bán lẻ xăng dầu hôm nay:
Mặt hàng | Giá từ 21/4 (đơn vị: đồng/lít) | So với kỳ trước |
Xăng RON 95-III | 21.000 | - 1.320 |
Xăng E5 RON 92-II | 20.130 | - 1.300 |
Dầu diesel | 17.650 | - 600 |
Dầu hỏa | 17.970 | - 550 |
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay vẫn tiếp nối đà giảm từ tuần trước.
Tuần qua, giá dầu thế giới ghi nhận tuần giảm thứ 4 liên tiếp. Giá dầu phục hồi nhẹ vào 2 phiên giao dịch đầu tuần. Nhưng giá dầu không giữ được đà tăng mà trượt dài vào 3 phiên sau đó. Trong 5 phiên giao dịch của tuần, giá dầu tăng 2 phiên và giảm liền 3 phiên.
Tại phiên giao dịch đầu tiên của tuần, giá của hai loại dầu phổ biến nhất thế giới đã tăng hơn 2% khi nỗi lo ngại nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái và áp lực tăng lãi suất đã giảm bớt.
Tới phiên giao dịch thứ hai của tuần, giá dầu vẫn giữ được đà tăng nhẹ. Kết phiên, giá dầu Brent tăng 0,6%, lên mức 77,44 USD/thùng, trong khi giá dầu WTI tăng 0,8%, lên mức 73,71 USD/thùng.
Giá dầu đi lên sau khi xuất hiện thông tin chính phủ Mỹ có kế hoạch bắt đầu mua dầu nhằm bổ sung cho kho dự trữ dầu chiến lược của nước này. Bên cạnh đó, giá dầu cũng được hỗ trợ bởi dự báo nhu cầu xăng của Mỹ sẽ tăng vọt trước mùa hè.
Trong 3 phiên giao dịch cuối tuần, giá dầu thế giới liên tục lao dốc, mất hơn 5%.
Sự trượt dốc của giá dầu thế giới chịu tác động bởi bế tắc chính trị liên quan đến trần nợ của Chính phủ Mỹ, khủng hoảng ngân hàng ở Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm cùng số đơn xin trợ cấp thất nghiệp ở nước này gia tăng.
Cùng với đó, dữ liệu kinh tế cho thấy lạm phát ở Mỹ vẫn ở mức cao, củng cố khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có khả năng tăng lãi suất hơn nữa để kiềm chế lạm phát. Những yếu tố trên làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế ở quốc gia tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới.
Thêm nữa, bức tranh kinh tế phục hồi chậm hậu Covid-19 của Trung Quốc và mức tiêu thụ nhiên liệu còn hạn chế của nước này đã khiến giá dầu đi xuống.
Ngoài ra, sự lao dốc không phanh của giá dầu còn có nguyên nhân từ sự mạnh lên của đồng USD do sự không chắc chắn xung quanh trần nợ và chính sách tiền tệ của Mỹ. Chỉ số DXY (đo lường biến động của đồng đô la Mỹ so với rổ 6 đồng tiền chủ chốt) vào kết phiên giao dịch cuối tuần trước đã đạt mức 102,71 điểm.
Theo dữ liệu từ Oilprice, giá dầu Brent chốt tuần ở mức 74,17 USD/thùng. Còn giá dầu WTI kết tuần ở mức 70,04 USD/thùng.
Tính chung cả tuần qua, cả hai mặt hàng dầu chuẩn đều giảm khoảng 1,5% so với tuần trước.
Đây là tuần giảm thứ 4 liên tiếp của giá dầu thế giới. Vào tuần trước đó, giá dầu Brent đã giảm khoảng 6,67%, giá dầu WTI giảm khoảng 7,05%.
Tuy giá dầu đã giảm 4 tuần liên tiếp nhưng các chuyên gia vẫn kỳ vọng giá sẽ sớm tăng trở lại.
Theo một báo cáo hàng tháng mới đây của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) , nhu cầu dầu mỏ của thế giới trong năm 2023 sẽ tăng 2,33 triệu thùng/ngày, tương đương 2,3%. Với sự tăng cầu này, trong khi nguồn cung từ nhóm OPEC và các nước đồng minh giảm, giá dầu được dự báo sẽ tăng vào nửa cuối năm nay.
Hạnh Nguyên