Giá xăng dầu hôm nay 11/5: Ngóng chờ lần giảm mạnh thứ 2 liên tiếp?
Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu từ chiều nay (11/5) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối xăng dầu cho hay, giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành hôm nay có khả năng giảm mạnh theo giá xăng dầu thế giới.
Theo đó, giá xăng E5 RON 92 có thể giảm gần 1.000 đồng/lít. Trong khi mức giảm của RON 95 có thể còn nhiều hơn.
Cùng xu hướng, các loại dầu có khả năng giảm từ 600- 700 đồng mỗi lít, tuỳ loại.
Trong trường hợp cơ quan điều hành trích lập hoặc không chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá xăng dầu có thể giảm ít hơn.
Nếu vậy, đây sẽ là đợt giảm giá mạnh lần thứ 2 liên tiếp. Tại kỳ điều hành gần đây nhất (ngày 4/5), giá xăng dầu được liên Bộ Tài chính - Công Thương giảm sâu.
Khi đó, giá xăng RON 95 giảm 1.310 đồng/lít, giá bán hiện là 22.320 đồng/lít. Giá xăng E5 giảm 1.250 đồng/lít, xuống 21.430 đồng/lít. Giá dầu diesel giảm 1.140 đồng/lít, giá bán ở mức 18.250 đồng/lít. Giá dầu hoả giảm 960 đồng/lít, giá bán là 18.520 đồng/lít.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (11/5) tiếp đà giảm từ 2 phiên trước.
Dữ liệu từ Oilprice cho hay, lúc 9h52' ngày 11/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 76,84 USD/thùng. Còn giá dầu WTI ở mức 72,97 USD/thùng.
Hôm qua (10/5), giá dầu thế giới nối dài đà giảm từ phiên hôm trước.
Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h47' ngày 10/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent ở mức 77,01 USD/thùng, giảm 0,43 USD, tương đương 0,56% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI xuống 73,28 USD/thùng, giảm 0,43 USD, tương đương 0,58% so với phiên liền trước.
Đến 19h27' ngày 10/5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô Brent xuống mức 76,82 USD/thùng, giảm 0,62 USD, tương đương 0,8% so với phiên liền trước. Còn giá dầu WTI ở mức 73,15 USD/thùng, giảm 0,56 USD, tương đương 0,16% so với phiên liền trước.
Giới phân tích nhận định, giá dầu giảm do nhu cầu suy yếu và tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
Dự trữ xăng dầu của Mỹ bất ngờ tăng và mức tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu yếu tại Trung Quốc đã làm trầm trọng lo ngại về nhu cầu dầu toàn cầu.
Báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ (API) ngày 9/5 cho biết, tồn kho dầu thô thương mại Mỹ đã tăng khoảng 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 5/5, sau 3 tuần giảm liên tiếp.
Trước đó, các nhà phân tích của hãng tin Reuters dự báo, lượng dầu dự trữ của Mỹ giảm 900.000 thùng và lượng xăng giảm 1,2 triệu thùng. Lượng dầu dự trữ tại các kho của Mỹ bất ngờ tăng làm dấy lên quan ngại về nhu cầu.
Bên cạnh đó, giá dầu giảm sau khi Trung Quốc công bố các dữ liệu thương mại kém sắc.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho hay, tốc độ tăng trưởng hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua đã chậm lại trong khi nhập khẩu giảm mạnh 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu dầu thô tháng 4 của Trung Quốc cũng giảm xuống 10,3 triệu thùng/ngày, thấp hơn 16,4% so với mức 12,32 triệu thùng/ngày trong tháng 3.
Trung Quốc là nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới. Sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc có tác động rất lớn đến giá dầu.
Tuy nhiên, bức tranh kinh tế phục hồi chậm và mức tiêu thụ nhiên liệu còn hạn chế của Trung Quốc đã khiến giá dầu gặp sức ép.
Ngoài ra, giá dầu quay đầu giảm còn do tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.
Trong khi đó, nguồn cung tại Nga ổn định bất chấp các lệnh trừng phạt hay thông báo cắt giảm sản lượng. Xuất khẩu dầu mỏ bằng đường biển của Nga trong tuần kết thúc ngày 5/5 đạt mức 3,6 triệu thùng/ngày, đưa mức xuất khẩu dầu mỏ trung bình 4 tuần của nước này tăng lên mức kỷ lục.
Thị trường đang chờ đợi báo cáo dầu hàng tháng từ Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), được công bố vào ngày hôm nay, để biết tổ chức này và các nước đồng minh (còn gọi là OPEC+) có cắt giảm sản lượng một lần nữa để đẩy giá dầu lên hay không.
Trong tháng 4, OPEC+ đã nhất trí cắt giảm sản lượng khoảng 1,16 triệu thùng/ngày từ tháng 5 cho đến hết năm nay.
Hạnh Nguyên