Giá thịt lợn tăng kỷ lục là do các lò mổ làm giá
Những ngày gần đây, giá lợn tăng chóng mặt, có nơi đã chạm mốc 80.000 đồng/kg, thịt lợn cũng lên mức 150.000 đồng/kg. Trước tình hình này, doanh nghiệp cũng muốn điều chỉnh tăng.
Ông Kiều Đình Thép, Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam cho biết, thời gian qua Công ty C.P luôn đồng hành với người dân trong việc bình ổn giá. Đến nay đã gần 50 ngày kể từ khi giá heo hơi bắt đầu tăng, giá của công ty luôn thấp hơn thị trường. Tuy nhiên, nếu như tình trạng này kéo dài mãi, doanh nghiệp sẽ phải xin phép các cơ quan chức năng điều chỉnh giá cho phù hợp.
Còn ông Phạm Quang Hiền, đại diện Masan cho biết, hiện tại, nguồn đầu vào giá cả tăng, doanh nghiệp cũng điều chỉnh giá, tuy nhiên mức điều chỉnh ít.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng cục Chăn nuôi: Giá lợn hơi hiện tại là do người Việt kéo lên và chúng ta có thể kéo xuống được. Theo ông, sắp tới cần thực hiện nhanh, quyết liệt các giải pháp, trong đó vấn đề đầu tiên là phải tuyên truyền đầy đủ về nguồn cung, giá, đặc biệt là mặt hàng thịt lợn. Thông tin phải chính xác và dựa vào giá chủ lưu, không được nói về giá cá biệt.
Còn việc xử lý trong lưu thông, làm sao để người giết mổ nhỏ lẻ phải tiếp cận được nguồn cung lợn thịt để có nhận thức đúng và có sự tiêu thụ, bán thịt lợn đúng giá theo thị trường.
"Các doanh nghiệp như CP, Dabaco.. phải là người đầu tiên giảm giá xuống. Nếu cứ tăng như hiện nay thị trường sẽ bị phá vỡ. Hiện nay, chính người giết mổ nhỏ lẻ đang làm giá, chứ các doanh nghiệp có hệ thống giết mổ hiện đại không làm giá", ông Dương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, phải quyết liệt trong công tác phòng, chống dịch, nếu để tái dịch sẽ rất nguy hiểm. Đồng thời, tái đàn ngay bây giờ để có thịt cung cấp cho thị trường hiện tại và Tết sắp đến; đẩy mạnh tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen sử dụng thực phẩm trong bữa ăn.
Đối với ngành Công Thương đặc biệt phải quan tâm bình ổn giá, trứng, gà không sợ thiếu, chúng ta phải dùng các biện pháp để bình ổn, không để thị trường bị phá vỡ.
Ông Nguyễn Xuân Dương khẳng định, nguồn thịt lợn hiện nay không quá thiếu hụt đến mức khủng hoảng, bên cạnh đó, lượng thịt gia cầm, thủy sản khá dồi dào nên sẽ không có biến động lớn nếu tổ chức tốt.
Theo ông, dịp cuối năm, chắc chắn giá lợn sẽ tăng cao, đây cũng là xu thế tất yếu vì nhu cầu tiêu dùng trong tháng tết cao, nhưng tăng quá cao thì không, chúng ta không lo khủng hoảng nếu sản xuất tốt. Nếu không chỉ đạo tốt thì sẽ tạo giá ảo, đẩy giá lên.
Hiện nay, dịch đã cơ bản kiểm soát tốt, các địa phương nên vận động người dân tái đàn có kiểm soát, đừng né tránh việc tái đàn, nếu đủ điều kiện hãy hỗ trợ người chăn nuôi tái đàn.
“Để chủ động nguồn thực phẩm, người tiêu dùng cũng nên chuyển đổi cơ cấu bữa ăn, gà đồi Yên Thế, cá chép, cá trắm rất ngon, hãy chuyển sang dùng thực phẩm này, thay vì chỉ dùng thịt lợn; điều này cũng là một giải pháp chia sẻ khó khăn với người chăn nuôi, với Chính phủ”, ông Dương nói.