6 kinh nghiệm lo Tết chỉ với 10 triệu đồng là đầy đủ của người vợ trẻ 32 tuổi
Thay vì vung tay quá trán sắm và chi tiêu Tết, do có kinh nghiệm lo toan sau rất nhiều mùa Tết cùng gia đình mà người vợ trẻ này đã tiết kiệm được nhiều khoản tiền phát sinh và có cái Tết êm đẹp, đầm ấm lại tiết kiệm.
Khác với nhiều bà mẹ trẻ khác, mỗi khi đến Tết thường hoảng sợ và lo lắng vì thường đi kèm với nỗi lo hết tiền vì mua sắm nhiều khoản. Song chị Lê Thị Hà, 32 tuổi ở Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội lại khác.
Vụng mà thành khéo, các chị em muốn mua sắm Tết thật nhẹ nhàng chỉ việc nghe bà nội trợ thông thái mách các mẹo sau
Làm dâu nhà chồng đã 6 năm nay nhưng người phụ nữ 32 tuổi này chưa bao giờ áp lực lo Tết. Cho dù đó là năm vợ chồng chị khó khăn hay dư dả, chị chỉ cần để dành 10 triệu tiêu Tết là ổn thỏa.
"Tết đến, bố mẹ 2 bên cũng không quá câu nệ và rất hiểu con cái. Bởi thế ngay năm đầu tiên ở nhà chồng, vợ chồng son nên lúc ấy công việc bấp bênh lắm. Có 6 triệu thì biếu 2 bên nội ngoại mỗi bên 2 triệu. Còn lại 2 triệu để dành tiền lì xì. Như vậy là đã xong cái Tết rồi", chị Hà chia sẻ.
Từ khi có con nhỏ, chi phí chi tiêu Tết của chị Hà tăng lên nhưng chị chỉ cho phép chi tiêu dưới 10 triệu đồng vì có kinh nghiệm đúc rút sau những lần chuẩn bị lo Tết: "Kinh nghiệm của mình được rút ra sau nhiều lần cùng mẹ chuẩn bị cho ngày Tết. Hai mẹ con đều quá rành chuyện này vì năm nào cũng 1 tay lo ngày Tết dù không có tiền nhiều. Bởi thế mình biết tiết kiệm những khoản nào và chỉ chi tiêu những khoản thiết thực nào".
Cụ thể, Tết năm nào, người phụ nữ này cũng áp dụng triệt để những mẹo chi tiêu sau:
1. Thống kê thu nhập tháng Tết và liệt kê cụ thể những khoản sắm Tết cần mua
Đây là một việc rất quan trọng để biết đang có gì trong tay và sẽ mua sắm Tết như thế nào. Theo đó, chị Hà thường liệt kê toàn bộ tiền lương, tiền thưởng Tết, thưởng quý và tất cả các khoản thu nhập khác của vợ chồng chị khoảng 40 triệu đồng. Sau đó, chị cũng liệt kê những khoản sẽ dự định chi tiêu trong ngày Tết bao gồm những chi phí cố định và chi phí phát sinh nhưng chỉ gói gọn trong 10 triệu đồng.
"Các chi phí cố định sẽ bao gồm các khoản chi tiêu như: biếu Tết nội ngoại: 4 triệu, tiền mừng tuổi: 3 triệu, tiền mua sắm Tết: 2 triệu. Ngoài ra các chi phí phát sinh như: đi lễ chùa, đi du lịch Tết, xăng xe: 1 triệu. Thống kê phải tường tận và tỉ mỉ mọi chi phí này sẽ càng giúp kiểm soát chi tiêu Tết tiết kiệm và đúng kế hoạch nhất", chị Hà khẳng định.
2. Không dẫn khách khứa về nhà quá nhiều mà hãy sang nhà khách hoặc kéo ra quán nhậu
Tết đến, nhiều gia đình thường dẫn khách về nhà tụ tập. Nhưng chị Hà lại khác, chị thường sang nhà khách chúc Tết hoặc nếu bạn bè của anh xã có tụ tập, chị thường bảo anh xã kéo khách ra quán nhậu vì bản thân chị không chuẩn bị đồ ăn đồ uống được. Điều này vừa giúp chị Hà đỡ vất vả ngày Tết vừa ít phải chi tiêu mua sắm thực phẩm chuẩn bị cho ngày Tết.
3. Chủ trương đi ăn nội ngoại, họ hàng là chính và chỉ trữ đồ ăn vừa đủ như ngày thường
Với nhà chị Hà, mùng 1 Tết vợ chồng chị về nhà nội. Mùng 2 vợ chồng chị mang ngoại. Mùng 3 Tết, qua mấy nhà cô dì chú bác chúc Tết và ăn uống. Mùng 4 Tết, vợ chồng lại kéo nhau về nhà nội. Mùng 5 lại về ngoại tụ tập. Mùng 6 thì đi làm.
"Nói chung mấy ngày Tết, vợ chồng mình đi ăn là chính. Do đó, đồ ăn trong nhà ngày Tết, mình tích trữ khá ít, chỉ vừa đủ như ngày thường. Mình chỉ cần mang theo tiền để sang nhà người thân lì xì thôi. Tết đi ăn như vậy vừa đông vui và giảm được khối tiền mọi người ạ", người vợ này chia sẻ.
4. Không mua nhiều quần áo, bánh mứt kẹo
Trước đây, chị Hà thường phạm phải sai lầm đến Tết mua sắm nhiều quần áo, bánh mứt kẹo. Song mấy năm nay chị đã chấn chỉnh lại. Tết đến chị luôn nghĩ cũng chỉ như ngày thường nên không mua nhiều đồ nữa. Thậm chí, quần áo mới chị cũng không mua sắm nhiều cho cả nhà vì theo chị chẳng ai để ý chi tiết đến những bộ đồ người khác đang mặc trên người. Hoặc nếu có mua, chị nhất định phải "canh" các shop "xả hàng" để mua cho rẻ.
"Riêng bánh mứt kẹo, nướt ngọt, vì nhà không có khách nhiều nên chị cũng không mua nhiều. Thông thường mình chỉ mua 2 chai nước ngọt, 1 thùng bia, ít bạnh kẹo hạt dưa, hạt dẻ cười là đủ tiếp khách Tết", chị Hà nói.
5. Luôn đi mua hoa đêm giao thừa
Vào những ngày cuối cùng của năm cũ, vợ chồng chị Hà mới đi chợ hoa mua quất, đào hoặc hoa tươi. Bởi khi ấy, mua hoa chắc chắn sẽ được giá rẻ. Thậm chí có năm chị mua 1 còn được tặng 1 hoặc được cho thêm.
6. Tự làm quà biếu và tự gói quà Tết
Tết đến vợ chồng chị Hà thường để dành 1 khoản mua quà biếu sếp: "Quà biếu Tết sếp của vợ chồng mình cũng rất đơn giản. Lúc thì một vò rượu nếp quê ngon hay 1 vò rượu đòng đòng. Lúc thì thịt bò khô, giò thủ mình tự làm. Thường trước Tết 1 tháng, mình tự mua đồ về làm và gói cho vừa rẻ vừa đẹp vừa tiện lợi, tiết kiệm".
Chia sẻ về kế hoạch tiêu Tết của mình, chị Hà thừa nhận: "Tết đến nhà mình chỉ có khoản lì xì thì đúng là "đau đầu" vì họ hàng đông, hai bên nội ngoại sống gần nhau nên mình phải "lì xì" đều nhau. Nhưng được cái, ngoài đến nhà người thân chúc Tết xong thì anh em kéo nhau đi chùa hay đi du lịch quanh vùng để vừa du xuân vừa không phải ở nhà tiếp khách, đỡ hao hầu bao. Vì thế Tết đến mình chẳng bao giờ phải lo ngay ngáy như các chị em khác".
Tặng quà Tết 1 chỉ vàng nhưng mẹ chồng vẫn chê ít
Thấy mẹ chồng không hài lòng với món quà 1 chỉ vàng, con dâu bèn hứa tặng bà toàn bộ quà Tết của công ty.
Theo Pháp luật và Bạn đọc