Giá chợ giảm mạnh, giá bình ổn "đứng im"
Giá chợ giảm mạnh, giá bình ổn "đứng im"
Giá các mặt hàng bình ổn tại siêu thị vẫn "neo" cao Ảnh: Quỳnh Anh |
Hàng bình ổn khó giảm giá
Tại cửa hàng bán hàng bình ổn giá trên đường Thụy Khuê (Hà Nội) lúc 16h ngày 10/10 thưa thớt khách. "Người dân ở đây chủ yếu là dân lao động nên hàng bình ổn bán khá chậm", nhân viên cửa hàng này cho biết. Hiện tại, bảng giá niêm yết tại đây vẫn "neo" theo giá cũ từ giữa tháng 9, với mức giảm trung bình từ 1-2% tùy từng mặt hàng.
Giảm giá nhiều nhất tại cửa hàng này là mặt hàng thịt gà nguyên con, từ 125.000 đồng/kg giảm xuống còn 118.000 đồng/kg; cánh gà công nghiệp giá từ 102.000 đồng/kg xuống còn 96.000 đồng/kg; thịt lợn ba chỉ giá 131.000 đồng/kg... Trong khi đó, ngoài thị trường tự do giá gà ta hiện ở mức 100.000 đồng/kg; thịt ba chỉ ở mức 120.000 đồng/kg...
Thực tế, các mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các chợ đầu mối, dân sinh đã giảm đáng kể từ cách đây 1 tháng, mức giảm từ 5-10%, tuy nhiên giá hàng bình ổn tại các siêu thị chỉ giảm rất nhỏ giọt. Điệp khúc, hàng bình ổn đắt hơn thị trường lại đang tái diễn.
Lập luận của các DN, siêu thị vẫn là hàng bình ổn có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm... nên giá đương nhiên phải cao hơn mặt hàng cùng loại bán tại các chợ dân sinh. Về lý thuyết, có vẻ tạm ổn. Nhưng có một thực tế là khi nguồn cung dồi dào, giá giao của các đầu mối rẻ đi thì đương nhiên giá bán đầu ra của các siêu thị, DN cũng phải giảm tương ứng.
Đáng nói, ngay cả khi cơ quan quản lý đã đưa ra thông báo yêu cầu các DN này giảm giá đối với 3 nhóm mặt hàng là thịt gà, thịt lợn, trứng... thì các DN vẫn "vin" vào cớ đầu mối cung cấp hàng chưa thông báo giảm giá nên DN chưa thể giảm.
Khi được hỏi về yêu cầu giảm giá 5% của Sở Tài chính đối với các mặt hàng thịt gia cầm, thịt lợn, phụ trách một siêu thị bán hàng bình ổn trên Hoàng Quốc Việt (Hà Nội) cho biết, chưa hề nhận được thông báo mới nào từ công ty, nên hiện tại siêu thị vẫn bán giá bình ổn cách đây gần cả tháng.
Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Nhất Nam (hệ thống siêu thị Fivimart) giải thích: "Giá bán ra của siêu thị giảm hay không phụ thuộc vào nhà cung cấp. Khi các nhà cung cấp thông báo hạ giá thì chúng tôi lập tức hạ ngay. DN vẫn tự chủ động nhập hàng để dự trữ phòng khi giá lên bất ngờ. Nhưng mặt hàng thực phẩm (thịt lợn, gà) là hàng tươi sống nên cũng không thể trữ được nhiều".
Bà Hậu thông tin thêm, đợt nhập hàng mới chưa thấy các nhà cung cấp thông báo hạ giá cung ứng nên siêu thị vẫn bán theo giá cũ cách đây chừng một tháng. Hiện, sản phẩm thịt ba chỉ bán tại Fivimart có giá 131.000 đồng/kg; thăn lợn giá 145.000 đồng/kg...
Đại diện một siêu thị khác nằm trong diện tham gia chương trình bình ổn của thành phố cho biết, việc giá hàng bình ổn cao hay thấp như thế nào là do các cơ quan chịu trách nhiệm về chương trình bình ổn của thành phố xét duyệt. Tuy nhiên, khi được hỏi về yêu cầu giảm giá của Sở Tài chính, vị này nói chưa rõ có thông báo này nên DN vẫn bán giá theo giá cũ đã được duyệt.
Bình ổn mà chưa ổn
Theo Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, đáng lý khi giá thị trường giảm, DN phải chủ động báo cáo giảm với cơ quan quản lý, đằng này ngược lại, cơ quan quản lý yêu cầu giảm, DN vẫn bình ngưng. "Động thái này cho thấy sự chậm trễ, bất cập trong cung cách điều hành, quản lý giá hiện nay. Giá đã theo thị trường mà cách quản lý lại theo kiểu bao cấp, hành chính. Điều chỉnh 1-5% không nghĩa lý nếu không điều hành đúng nguyên lý về giá và sát thực tế", ông Phú bình luận.
Ông Phú cho rằng, đã tới lúc phải thay đổi lại cách thực hiện và quản lý giá hàng bình ổn và chương trình hàng bình ổn.
Thứ nhất, nên trao phiếu mua hàng bình ổn tận tay cho dân nghèo, học sinh sinh viên, như thế hàng bình ổn mới tới được đúng đối tượng cần hỗ trợ. Thêm nữa, xóa bỏ bình ổn cho khâu thương mại, thay vào đó sẽ bình ổn giá cho khâu sản xuất (trang trại chăn nuôi...).
Cuối cùng, ông Phú đề xuất, Quỹ bình ổn giá phải được tạo lập từ DN để DN tự chi tiêu, tránh tình trạng DN ỷ lại vào "bầu sữa" của Nhà nước, có tiền và tự ý sử dụng thiếu sự kiểm soát, nên mới dẫn tới tình trạng "trên bảo dưới chưa nghe" như hiện tại.
Theo ông Vũ Vinh Phú, nguồn quỹ bình ổn 400 tỷ đồng so với con số 5000 tỷ tiêu dùng hàng tháng chẳng thấm tháp gì so với thị trường, việc này không có tác dụng bình ổn, mà nó còn tạo ra sự bị động, nghịch lý. Giá cả theo thị trường đã giảm từ lâu, mà hàng bình ổn vẫn treo cao.
Nguyễn Hoài