Ghi tại "vương quốc cá hô khổng lồ"
Đến đồng bằng sông Cửu Long vào mùa này, ghé các phiên chợ từ quê đến tỉnh, đâu đâu cũng thấy người ta bày bán la liệt các loại cá được ngư dân vùng lũ buông lưới thả câu mà tiếng tăm về sự thơm ngon lẫn bổ dưỡng rộng khắp như cá linh, cá heo, cá nàng hai (cá thác lác), cá tra dầu và đặc biệt là cá hô.
Thuộc họ cá chép, cá hô còn có nhiều tên gọi khác như cá chép xiêm, cá chép đen, là loài cá nước ngọt quý hiếm được Sách đỏ Việt Nam ghi nhận. Vì có thịt ngọt và trọng lượng khủng, giá lại đắt nên chẳng biết từ bao giờ, cá hô được người đời vinh danh là "vua" của các loài cá trên dòng Mê Kông.
Nhiều bậc lão ngư ở miền Nam cho rằng con cá hô khủng được ngư dân Trần Anh Dũng bắt được kia có xuất thân ở Biển Hồ (Campuchia), theo dòng chảy mà trôi dạt về phía lưu vực sông Đồng Nai. Có dịp đến Xiêm Riệp, chúng tôi tìm đến "thánh địa" của loài cá hô và ghi nhận nhiều chuyện ly kỳ về những "ông" cá hô khủng ngoài sức tưởng tượng.
Quanh chuyện ngư dân Trần Anh Dũng bắt được "ông cá hô" nặng hơn 120kg, không ít người cho rằng đây là "cụ" cá hô lịch sử có cân nặng nhất từ trước đến nay. Nhận định này vừa đúng lại vừa sai bởi xét trên phạm vi lưu vực sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, thì cái sự nhất kia miễn bàn bởi ngay tại thời điểm này, "ông" cá hô nặng chính xác 128kg kia đúng là khủng nhất. Nhưng so với những "ông" cá hô từng dính lưới ngư dân một số tỉnh miền Tây thì nó chẳng là gì.
Cuối tháng 2/2012, khi dư âm về con cá hô "cụ" nặng trên 100kg bị ngư dân phát hiện và trục xuất lên sông Vàm Nao (huyện Phú Tân, An Giang) còn chưa lắng thì khoảng 2 tuần sau, ngư dân Phan Ngọc Phước (ngụ huyện Châu Thành, Đồng Tháp) trong quá trình đánh bắt trên sông Tiền (đoạn qua địa phận tỉnh Vĩnh Long) được thủy thần biệt đãi cho cụ cá hô dài 2,5m, nặng đến 150kg... Thông tin trên đã khiến dư luận ngỡ ngàng vì lâu nay cứ nghĩ cá khổng lồ với trọng lượng vượt hơn con số 100kg chỉ có ở đại dương.
Khi đến Biển Hồ - vựa cá nước ngọt lớn nhất Đông Nam Á, qua quá trình theo chân các ngư dân người Campuchia gốc Việt và từ chia sẻ của ông Võ Văn Đầy (Phó Chủ tịch Hội Người Campuchia gốc Việt tỉnh Xiêm Riệp), chúng tôi biết được ở cái hồ rộng như biển ấy, chuyện cá khổng lồ như cá tra dầu và đặc biệt là cá hô nặng hàng trăm ký lô không có gì lạ!
Cá hô trên dòng Mê Kông luôn hấp dẫn các tay câu từ khắp nơi trên thế giới. Ảnh Sam. |
1. Tại xứ Chùa Tháp, nếu thủ đô Phnôm Pênh có nhiều điểm tham quan như Cung điện Hoàng gia, casino 5 sao Nagar, đồi bà Pênh, Quảng trường thành Vua... thì cố đô Xiêm Riệp (nay là tỉnh Xiêm Riệp) chỉ có 2 địa danh chính gồm quần thể các đền đài cung điện mà người Việt quen gọi Đế Thiên - Đế Thích (Ăngco Thom - Ăngco Wat) và Biển Hồ.
Chiều muộn, sau chặng đường hơn 300km xuất phát tại bến xe liên tỉnh nằm ở chợ Urussey (Phnôm Pênh), chúng tôi đến Xiêm Riệp và qua đêm ở khu chợ đêm trong một khách sạn khá sạch sẽ với giá rẻ bất ngờ, 10 USD/phòng có máy lạnh cho 3 giường ngủ. Hôm sau, mờ sáng, theo thỏa thuận tối hôm trước, anh chàng tuk tuk người Campuchia gốc Việt là Sam, đậu xe trước khách sạn đưa chúng tôi đến Biển Hồ, cách đó khoảng 10km.
Sam 36 tuổi, chạy xe tuk tuk được 5 năm và sống khá tốt với nghề. Trên đường đi, Sam cho biết trước khi đến với nghề chạy xe, anh là ngư dân, từng dãi dầu nắng gió trên cái hồ rộng như biển này: "Tính đến tôi thì gia đình có đến 3 đời sống lênh đênh trên sông nước. Nhưng người ngày một đông, cá ngày một ít nên cuộc sống ngày càng bấp bênh. Hơn 5 năm trước, anh Vương, người Sài Gòn nhiều lần đưa khách đến tham quan Biển Hồ vốn thường nhờ tôi chạy ghe đưa khách đi đó đây khuyên tôi lên bờ chạy tuk tuk thu nhập sẽ khá hơn. Nghe có lý, tôi bán ghe sắm chiếc tuk tuk này. Nhờ được bà con người Việt sang đây tham quan ủng hộ nên cuộc sống tôi khá ổn, có thể nói là tốt hơn lúc ở Biển Hồ" - Sam trò chuyện.
Được sinh ra và lớn lên ở Biển Hồ, Sam kể từ lúc nhỏ đã theo cha mẹ xuôi ngược giữa mênh mông biển nước.
"Mùa nước lên cao điểm ở Biển Hồ vào khoảng tháng 10, khi đó mực nước dâng cao đến 9-10m, tôm cá nhiều vô kể, con nào con nấy bự cành cành, cá chép, cá mè, cá ét mọi, cá chài, cá trê, cá trôi, cá trăm, cá lóc, cá bông lau... to bằng bắp chân, bắp đùi người lớn, không có gì lạ. Còn tôm càng, rắn nước to cỡ tay người lớn cũng rất thường. Gọi là thường vì ở Biển Hồ cứ mùa nước lên là ngư dân lại bắt được những con cá nặng hàng chục, có khi hàng trăm ký như cá tra dầu và cá hô. Khoảng năm 2000, tôi với ông già (ông Sáu Cung, nay đã mất vì bạo bệnh) kéo được con cá tra dầu nặng 150kg và cá hô nặng 220 ký. Còn trước đó, nghe cha tôi với ông nội kể trước năm 1970, có mùa nước lên, các cụ bắt được cả chục con cá lớn nặng trên 100 kg".
- Bây giờ cá trên 100kg ở Biển Hồ, còn không?
"Thiếu gì anh ơi, thi thoảng tại chợ cá Kompong Chnang người ta đem ra xả thịt những con cá phải cả chục người khiêng mới nổi!" - dứt câu trả lời, Sam dừng xe quẹt điện thoại cảm ứng cho tôi xem một vài con cá khủng ở Biển Hồ mà ngư dân địa phương và các tay câu cá phương Tây sang đây, câu được.
Bắt đầu từ lúc 10 giờ tối kéo dài đến sáng hôm sau, chợ cá Kompong Chnang là phiên chợ tập trung sản vật được đánh bắt ở Biển Hồ, lớn nhất Campuchia. Từ đây, các sản vật vùng lũ gồm tôm, cá, cua, ốc, các loại tươi sống lẫn cá được rọng trong những phuy nước sủi khí ôxy được vận chuyển khắp Campuchia. Tiếc rằng do thời gian có hạn nên chúng tôi không có điều kiện ghé thăm chợ cá lớn nhất xứ Chùa Tháp mà theo bộc bạch của Sam, mẹ và vợ anh hiện là tiểu thương ở chợ.
2. 7 giờ sáng, sau đúng 1 giờ đồng hồ lăn bánh với nhiều bận dừng lại để khách được ngắm cảnh, chụp hình và tìm hiểu đời sống dân sinh, chiếc xe tuk tuk của Sam dừng lại trước bến tàu Biển Hồ. Tại khu vực bán vé tham quan được đắp cao hơn chục mét so với mặt nước, chúng tôi thấy nhiều tấm bảng song ngữ Campuchia - Anh giới thiệu hơn 200 loài cá nước ngọt ở Biển Hồ được thế giới biết đến với tên gọi Tonlé Sap.
Theo đó, Biển Hồ được hình thành từ sự ngẫu hứng của dòng Tonle Sap, một nhánh rẽ của dòng Mê Kông. Vào cao điểm mùa mưa, diện tích của Biển Hồ lên đến 16.000km2, độ sâu có nơi hơn 10m (mùa khô chỉ sâu từ 1 đến 4m), xứng đáng là hồ nước ngọt và là vựa cá lớn nhất Đông Nam Á.
Thông thường khách đến tham quan Biển Hồ phải mua vé từ Sở Du lịch Xiêm Riệp để từ đó được dân bản xứ chở bằng thuyền máy với sức chứa tối đa 20 người đi qua luồng lạch được khơi vét dài đến 10km dẫn vào khu hồ rộng như biển. Nếu không đi theo tour, nếu là đi bụi thì đi như thế theo Sam rất chán bởi không có người hướng dẫn hoặc có thì chỉ nói tiếng Anh.
Nhờ sự nhiệt tình của Sam, chúng tôi được ông Tư Thòn, 64 tuổi, một ngư phủ lão luyện dẫn đường. Trước khi ghe nổ máy cưỡi trên dòng chảy đỏ ngầu phù sa tiến về trung tâm Biển Hồ là khu sinh sống của cộng đồng người Việt với cả ngàn nóc nhà thuyền lên xuống theo con nước. Sam bật mí ông Thòn đã từng bắt được con cá hô nặng gần 300kg. Còn cá tra dầu nặng hơn 100ký thì số lần ông bắt được nhiều không kể xiết.
"Chuyện con cá hô khủng như vậy tôi bắt cũng lâu rồi, đâu khoảng năm 1995. Hồi còn trẻ, tôi còn bắt được cả cá sấu nữa kia. Có lần theo con nước của dòng Mê Kông sang Thái Lan, tôi bắt được con cá hô nặng đến gần 300 ký. Điều lạ là từ trước đến nay chưa từng có chuyện cá sấu hay cá khổng lồ tấn công người".
Trong tiếng máy nổ chát chúa, ông Tư Thòn nói như hét. Trên đường đi, lão ngư có hơn nửa thế kỷ ăn đầu sóng nói đầu gió nhiều lần tấp lại các ghe tàu ăm ắp cá đang rẽ nước cập bờ chuyển cho mối lái. Trong khoang thuyền, chúng tôi được tận mắt thấy cơ man nào cá chép, cá tra, cá hô... nặng từ vài ký đến hơn chục ký lô. "Cỡ này thường thôi, loại vài ba chục ký cũng không hiếm" - anh ngư dân tên Thẹc, ngoài 20 tuổi, nói trong sóng gió rào rạt.
3. Hơn 2 giờ đồng hồ kể từ lúc xuất bến, tay lái xuất thân là ngư phủ lão luyện Tư Thòn đưa chúng tôi đến khu vực sinh sống của kiều bào trên Biển Hồ. Tại đây, chúng tôi có dịp trò chuyện với ông Hội phó Hội Người Campuchia gốc Việt tỉnh Xiêm Riệp. Không chỉ liên quan đến vựa cá lớn nhất Campuchia nói riêng, khu vực Đông Nam Á nói chung, cuộc trò chuyện với ông Sáu Đầy còn cho chúng tôi khá nhiều thông tin thú vị liên quan đến loài cá hô khổng lồ được mệnh danh là "vua", là "ông hoàng", của các loài cá nước ngọt đến từ dòng Mê Kông hùng vĩ.
"Trước đây cá hô khổng lồ nhiều vô kể, giờ khan hiếm rồi, nhưng lâu lâu cũng có người bắt được con ngoài trăm ký" - ông Sáu Đầy trò chuyện. Một lão ngư khác là ông Bảy Lềnh, khoảng 70 tuổi, ở nhà bè gần đấy sang chơi cho biết trong cuộc đời ngư phủ của mình, số cá khủng trên 100 ký các loại như cá đuối gai, cá sấu, cá hô, cá tra dầu mà ông từng gặp... ông nhớ không xuể.
Theo lời kể của ông Sáu Đầy, Tư Thòn, Bảy Lềnh..., mùa cá ở Tonle Sap từ bắt đầu mồng 1 tháng 10 năm trước đến đầu tháng 6 năm sau, trong đó cao điểm của mùa đánh bắt diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3. "Luật pháp của chính phủ rất nghiêm, ngoài mùa đánh bắt, ai vi phạm vào khu vực cấm đánh bắt tùy mức độ có thể bị xử phạt, đưa đi học luật bảo vệ môi trường hay tạm giam. Nếu thấy bất kỳ ai lảng vảng ở khu vực cá đẻ đánh bắt bằng các phương pháp hủy diệt thì những người canh gác sẽ nổ súng không nương tay. Nhờ luật nghiêm như vậy mà đến nay Biển Hồ vẫn giữ được vị thế là vựa cá lớn nhất Đông Nam Á đấy" - ông Tư Thòn cho biết.
Lênh đênh trên Biển Hồ trong một sớm một chiều, chúng tôi chỉ gặp được các con cá hô cùng các loài cá khác qua lời kể của những lão ngư dày dạn sóng gió, cũng như từ hình chụp của con em họ. Dầu vậy chuyến đi cũng để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó tả về cuộc sống của cộng đồng người Việt trên cái hồ rộng như biển, đặc biệt là công tác ngăn chặn "ngư tặc" mùa cá đẻ của ngành chức năng sở tại.
Theo ông Sáu Đầy, nhờ được bảo vệ trong những vùng cấm bất khả xâm phạm nên cá ở Biển Hồ mặc sức lớn, mặc sức sống lâu. Vào mùa nước dâng, thi thoảng có những "cụ" cá nổi hứng đi rong theo con nước đổ về Việt Nam để rồi bị mắc kẹt, thế nên mới có chuyện thi thoảng vào mùa lũ dâng, đó đây xuất hiện những thông tin tại Đồng Tháp, An Giang, Hậu Giang... ngư dân buông lưới dính được cá khủng!