Gateway Thảo Điền xây trên đất thu hồi trái phép: Kiện tụng không hồi kết
Câu hỏi đặt ra là tại sao ngay từ đầu Công ty Cổ phần BĐS Sơn Kim (Công ty Sơn Kim), chủ đầu tư Gateway Thảo Điền, không chủ động đứng ra thương lượng bồi thường mà chỉ đóng vai trò là bên hỗ trợ?
Từ quyết định thu hồi đất sai luật
Vụ kiện tụng liên quan đến phần diện tích 657,7m2 đất của gia đình bà Nguyễn Thị Trường (ngụ Phường Thảo Điền, Quận 2) đang được Công ty Sơn Kim sử dụng xây dựng dự án Gateway Thảo Điền kéo dài gần chục năm nay vẫn chưa đi đến hồi kết. Gia đình bà Trường đặt câu hỏi là dựa vào đâu UBND Quận 2 ra quyết định thu hồi phần diện tích nói trên của gia đình bà rồi giao cho Công ty Sơn Kim thực hiện dự án?
Theo UBND Quận 2, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã cung cấp thông tin quy hoạch kiến trúc cho dự án trên cơ sở nhiệm vụ quy hoạch 1/2000 Khu dân cư Bắc Xa lộ Hà Nội đã được UBND thành phố phê duyệt. Sau đó Sở Xây dựng ra quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng tại khu đất nói trên, đồng thời phê duyệt thiết kế cơ sở của dự án (thay thế quy hoạch chi tiết 1/500).
Tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) lại cho rằng UBND TP.HCM phê duyệt chủ trương đầu tư dự án từ năm 2009, nhưng chưa được xét duyệt bổ sung vào quy hoạch sử dụng đất năm 2010. Quy hoạch chi tiết 1/2000 chưa được phê duyệt (mới có nhiệm vụ phê duyệt).
Những lùm xùm tại dự án Gateway Thảo Điền vẫn chưa có được hướng giải quyết khi chủ đầu tư và người dân chưa tìm được tiếng nói chung. |
Do đó, việc UBND Quận 2 thu hồi 675,7m2 đất của gia đình bà Trường là chưa phù hợp. Bộ TN&MT kiến nghị giao UBND TP.HCM chỉ đạo UBND Quận 2 thu hồi quyết định thu hồi đất và Công ty Sơn Kim có trách nhiệm thỏa thuận nhận chuyển nhượng phần đất nói trên của bà Trường để thực hiện dự án.
Tại buổi gặp gỡ báo chí mới đây, ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Chủ tịch HĐQT Công ty Sơn Kim cho rằng trong vụ việc bà Trường khởi kiện hành chính quyết định thu hồi đất của UBND Quận 2 công ty không liên quan. Khi được thành phố giao dự án, công ty có ký hợp đồng với Quận 2, sau đó cơ quan này đã đứng ra thu hồi và giao đất “sạch” cho công ty.
Nói về quá trình cùng với UBND Quận 2 hỗ trợ tiền đền bù đất cho gia đình bà Trường, ông Tuấn cho hay, nếu bây giờ công ty không hỗ trợ gì nữa cũng được. Đại diện Công ty Sơn Kim còn khẳng định nếu UBND Quận 2 thua kiện thì sẽ phải đền bù cho công ty.
Chủ đầu tư "đóng vai" người hỗ trợ
Căn cứ vào ý kiến của Bộ TN&MT, bà Trường cho rằng khi thực hiện dự án Gateway Thảo Điền, Công ty Sơn Kim phải đứng ra thỏa thuận giá đền bù đất với bà bởi đây là dự án thương mại do tư nhân đầu tư. Tuy nhiên, ngay từ đầu UBND Quận 2 đã cố tình o ép gia đình bà để thu hồi đất và Công ty Sơn Kim đã “đóng vai” là bên hỗ trợ thay vì họ phải trực tiếp đứng ra thỏa thuận giá đền bù với bà.
Quá trình thương lượng giá đền bù 675,7m2 đất giữa gia đình bà Trường và Công ty Sơn Kim kéo dài nhiều năm vì hai bên không tìm được tiếng nói chung. Theo bà Trường, ban đầu Quận 2 đưa ra mức giá 2,2 tỷ đồng bồi thường cho phần diện tích 675,7m2 thu hồi. Sau đó Công ty Sơn Kim hỗ trợ thêm, nâng mức bồi thường lên 5,6 tỷ đồng. Cho rằng mức giá trên quá rẻ so với giá thị trường tại khu vực nên gia đình bà Trường không chấp nhận.
Không đồng ý với quyết định thu hồi đất của UBND Quận 2, bà Trường đã làm đơn khởi kiện hành chính. |
Cuối tháng 11/2015, Công ty Sơn Kim tiếp tục có buổi tiếp xúc với gia đình bà Trường và đưa ra mức giá hỗ trợ hơn 10 tỷ đồng (tương đương 15 triệu đồng/m2). Cho đến nay, đơn giá công ty Sơn Kim đưa ra bồi thường cho phần đất của bà Trường là 38 – 40 triệu đồng/m2.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, quá trình theo đuổi việc thương lượng với gia đình bà Trường đã gây thiệt hại cho công ty 200 tỷ đồng. Và những nhùng nhằng tại dự án Gateway Thảo Điền vẫn chưa có hướng ra khi bà Trường cho rằng Công ty Sơn Kim đã không sòng phẳng.
“Đất thì đã bị thu hồi, họ đưa gia đình tôi vào thế đã rồi thì làm sao có thể thương lượng một cách công bằng được. Nếu ngay từ đầu Sơn Kim chịu ngồi lại thỏa thuận thì có thể tôi đã chấp nhận mức giá thấp hơn bây giờ. Trường hợp tôi thắng kiện, Quận 2 sẽ phải trả lại đất cho tôi và khi đó tôi có thể thỏa thuận với tư cách chủ đất chứ không còn ở thế bị động và cảm thấy bị o ép như lâu nay”, bà Trường nói.