Gái phố bỏ chồng vì phải về quê ăn Tết
Ảnh minh họa. |
Hơn 10 năm tư vấn, tâm sự gây ấn tượng mạnh nhất với tôi là trường hợp một nữ tri thức trẻ người Hà Nội gốc đã quyết định ly hôn chỉ vì năm nào cũng phải về quê chồng ăn Tết.
Chồng em là một trí thức và em cũng thế, chị khách của tôi bắt đầu câu chuyện. "Chúng em quen nhau từ hồi sinh viên, ra trường thì cưới. Anh ấy là một thanh niên nông thôn lên học đại học ở thành phố rồi ở lại làm việc từ đó đến giờ. Em là gái thành phố gốc, cả đời chẳng đi đâu ra khỏi phố nhà mình.
Sau khi kết hôn, chúng em ở trong 1 căn tập thể cũ do bố anh ấy được phân khi cụ còn đang công tác tại thành phố. Cuộc sống khó khăn vất vả vì cả 2 mới đi làm, cũng chưa có tích lũy gì. Đám cưới xong lại phải sửa chữa nhà cửa tốn kém khá nhiều tiền khiến chúng em lao đao vì nợ. Khó khăn là vậy nhưng em không nản. Dù sao, thời của bọn em, 2 vợ chồng tay trắng làm nên cũng không phải là hiếm.
Tuy nhiên, điều mà em ức chế lại là sự gia trưởng đến mức bất tuân lý lẽ của chồng em. Ngay sau khi cưới, em có thai. Tuy nhiên, vì nhà chồng có giỗ, nên chồng em cương quyết bắt em về quê ăn giỗ. Đường sá xa xôi, sức khỏe sút kém do vừa lo toan sửa nhà và chuẩn bị một đám cưới vất vả xong thì có bầu nên hậu quả đã đến với em ngay lập tức. Con bỏ em ra đi.
Khỏi phải nói, em đau đớn và ân hận đến thế nào. Giận chồng vì coi thường mạng sống của vợ con hơn những thủ tục nơi quê nhà. Giận bản thân vì đã không cương quyết để bảo vệ chính mình và con. Và tình cảm vợ chồng sứt mẻ ngay từ lúc đó.
Những việc cãi vã lặt vặt trong cuộc sống rất nhiều do sự khác biệt về lối sống, quan niệm, về tính cách và đủ thứ. Tuy nhiên, em nghĩ mình vẫn có thể cố gắng được nếu như không có những chuyện tiếp sau đó. Một lý do lớn nhất mà em cảm thấy khó có thể tiếp tục sống với chồng chính là câu chuyện về quê ăn Tết.
Nói công bằng, nếu chỉ có một mình Tết phải về quê, chắc em cũng không khó chịu đến thế. Tuy nhiên, đi làm, ai cũng mong nghỉ Tết, và tất cả các ngày nghỉ lễ khác. Nhưng ở nhà em, bất luận kì nghỉ nào, chồng em cũng bắt em phải về quê.
Sau này, khi em có thai mới và sinh em bé xong, việc con phải lặn lội hơn 100km đường xa, bụi bặm, gió máy về quê khi vừa mới vài tháng cũng là bình thường. Tuy quê chồng em không quá xa thành phố nhưng đường về đó lại vô cùng khó đi, xe cộ cũng không tiện. Lần nào về quê, em cũng cảm thấy như một sự đánh vật. Và dĩ nhiên, lần nào về con em cũng ốm.
Đối với em, tất cả các ngày nghỉ đều là…. ĐI LÀM DÂU. Sau một khoảng thời gian dài đi làm mệt mỏi, bất kể ai cũng mong có kì nghỉ để xả hơi, để đi thăm thú nơi này nơi kia. Nhưng ở nhà em, luật bất thành văn là về quê.
Về một nơi hoàn toàn xa lạ với mình, với những người mình không thân thiết, rõ ràng với em, đó là cực hình.Về quê, mọi thói quen của em cũng bị soi mói, dòm ngó, thậm chí chê bai. Nhiều thói quen ở quê lại làm em không thể nào quen nổi. Ví dụ, việc sử dụng nước của một cái ao bé tẻo teo để rửa bát khi ở đằng xa xa thì có đứa bé kéo quần lên tè xuống đó khiến em nôn thốc ra khi ngửi mùi bát đĩa là một trong những điều em sợ nhất. Hay việc con em bị vạch quần ra cấu… cũng là điều em thực sự muốn phát điên mà không sao có thể bảo vệ con được. Đặc biệt những bữa nhậu kéo dài từ sáng sớm đến tối khuya mà người phục vụ là phụ nữ đã khiến em không thể nào có được giờ phút rảnh rỗi cho bản thân hay cho con. Chồng em, bố chồng, các anh chồng say sưa từ sáng sớm đến tối khuya. Mọi thứ trở thành cực hình khi 2h sáng, em vẫn ngồi bơ phờ bên mâm bát chất cao như núi. Sự khác biệt quá lớn cùng với quy tắc về quê mọi thời gian rảnh rỗi đã khiến em gần như cạn kiệt sức chịu đựng.
Lấy chồng 5 năm, em đã 4 năm ăn Tết ở quê chồng. Cố gắng dìm cái suy nghĩ và thói quen cá nhân của mình xuống, em chấp nhận mọi thứ để giữ gia đình cho con. Tuy nhiên, một sự việc xảy ra vào năm thứ năm của cuộc hôn nhân đã khiến em đi đến quyết định cuối cùng.
Năm đó, bố đẻ em bị tai biến nằm liệt giường. Gia đình bên ngoại đã vô cùng vất vả để chăm sóc bố em vì nhà neo người. Mẹ em và em trai em đã vật vã bên giường bố cả tháng trước Tết. Phận làm con nhưng đã đi lấy chồng, con lại còn quá nhỏ, em chẳng giúp gì được mấy. Tết năm đó, em dự định sẽ dành thời gian nghỉ Tết để chăm bố.
Tuy nhiên, sát Tết, chồng em cương quyết bắt cả nhà về quê như thường lệ. Mọi lý lẽ em đưa ra đều bị chồng em bác bỏ. Chồng em nói rằng: Cả năm đã ở nhà ngoại (nhà em cách nhà ngoại vài km chứ không ở cùng nhưng ở trong cùng thành phố), Tết phải về nhà nội. Ông ốm, nằm viện đã có bác sĩ, y tá lo. Gia đình còn có bà ngoại và cậu. Sau vụ cãi vã này, gia đình em lại gồng gánh về quê. Ngoài những đồ đạc thông thường, em còn mang theo một hành trang mới: Một tờ đơn xin ly hôn đã viết sẵn trong đầu.
Ra Tết, em lập tức đến tòa án để xin ly hôn. Có thể có nhiều người sẽ nói em rằng em quá cố chấp. Tuy nhiên, em không thể đánh đổi bố mình để lấy một người chồng như vậy. Sau vài tháng lằng nhằng thủ tục, em đã thực sự được tự do, bắt đầu xây dựng cuộc sống mới bên con trai.
Đã 7 cái Tết từ đó trôi qua. Bố em dần dần bình phục. Mỗi năm Tết đến, bố mẹ em chỉ yêu cầu các con quây quần bên mâm cơm tất niên (nếu được) rồi sau đó chúng em hoàn toàn được tự do. Bố mẹ em khuyên em đưa con đi nghỉ ngơi ở nước ngoài cho thoải mái. Năm nào ăn Tết ở nhà, gia đình em cũng gói gọn những bữa cơm trong ngày Tất niên để con cháu có dịp thưởng thức Tết đúng nghĩa. Cuộc sống hoàn toàn thoải mái và hạnh phúc đã khiến em thực sự sợ đàn ông, sợ kết hôn. Theo chị, em phải làm sao đây khi ai cũng giục em đi bước nữa?"
….
Một ca thật sự khó đối với tôi khi những đất lề quê thói, những quan niệm cổ hủ “trọng nam, khinh nữ” đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng cô gái thành thị ấy. Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần phải thay đổi mọi quan niệm đã quá lạc hậu. Ngày Tết để mọi người hưởng hạnh phúc. Ngày Tết không nên và nhất định không nên trở thành gánh nặng cho bất kể ai. Mọi người đều có quyền hưởng Tết và phụ nữ cũng thế. Tôi hi vọng những ai còn có quan niệm cổ hủ về ngày Tết sẽ cởi mở hơn để chúng ta cùng vui tươi đón Tết.
Mùa xuân đã sắp đến rồi. Tôi chúc các ông chồng sáng suốt, chúc các bà vợ thật sự hạnh phúc trong mùa xuân tươi đẹp sắp về.