Formosa muốn lập đặc khu kinh tế: "Đừng nghĩ là tốt hay xấu"
Thông tin Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh (FHS - Đài Loan) – chủ đầu tư “siêu” dự án 9,9 tỷ USD vào khu vực Vũng Áng – Hà Tĩnh vừa trình lên Chính phủ xin thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng đang gây sự chú ý của dư luận.
Sau "biến cố tháng 5", công nhân đã trở lại làm việc tại dự án Formosa Hà Tĩnh |
Cụ thể, trong công văn số 1406022/CV-FHS mới đây gửi Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải, FHS lại gửi thêm một số đề xuất mới, đáng chú ý là việc đề nghị thành lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng. Theo FHS, mục đích thiết lập đặc khu kinh tế là nhằm xây dựng cảng nước sâu Sơn Dương và đầu tư các ngành công nghiệp liên quan như gang thép, điện... thúc đẩy phát triển công nghiệp.
FHS cũng dự thảo sẵn một bản Điều lệ quản lí thiết lập đặc khu kinh tế gang thép Vũng Áng với 10 Điều gửi đến Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải. Việc quản lí và thiết lập đặc khu theo quy định của bản điều lệ này.
Trong Bản điều lệ dự thảo này, Formosa đề xuất một loạt biện pháp ưu đãi cho dự án đầu tư vào đặc khu. Cụ thể, ngoài được hưởng những điều kiện ưu đãi có được từ Giấy chứng nhận đầu tư của dự án ra, còn được ưu đãi các hạng mục như: Được Chính phủ thiết lập bảo hộ cơ chế ngành thép, được Chính phủ ưu đãi cân đối ngoại tệ trong phạm vi hạng mục kinh doanh, được vay vốn từ các tổ chức tài chính nước ngoài, được miễn thu thuế khấu trừ tại nguồn..., miễn thuế nhập khẩu máy móc, thiết bị và nguyên vật liệu...
Formosa cũng đưa ra đề xuất trong đặc khu thành lập ban quản lí, trực thuộc Văn phòng Chính phủ.
Chia sẻ với Infonet, TS. Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, không nên dùng từ “đặc khu” khi nói về đề xuất xin cơ chế hỗ trợ mà Formosa vừa trình lên Chính phủ. Hiện ở Việt Nam mới chỉ có 2 khu đặc khu tại Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Đồn (Quảng Ninh), và mới đây TP. Hồ Chí Minh cũng đưa ra đề xuất muốn thành lập khu đặc khu công nghệ cao....
Theo ông Thành, sau "biến cố tháng 5", Formosa cũng là một trong những doanh nghiệp Đài Loan chịu thiệt hại nặng nề nhất. Để giữ ổn định môi trường đầu tư, hàng loạt vấn đề liên quan của doanh nghiệp, mà cụ thể là dự án của Formosa về bảo hiểm, thuế... đã được bộ ngành, địa phương xử lý kịp thời, nhanh chóng.
“Chúng ta đừng nghĩ kiến nghị này là tốt hay xấu. Mà phải phân tích nó cụ thể ở những khía cạnh pháp lý trong bối cảnh của Việt Nam. Có thể đây là thời điểm doanh nghiệp này muốn có sự hỗ trợ lớn hơn từ phía Chính phủ để có thể hồi phục sản xuất nhanh hơn nên mới đưa ra đề xuất như vậy. Tuy nhiên, tôi cho rằng không nên gọi đây là “đặc khu” mà chỉ là những ưu đãi đặc biệt thôi. Vì nói tới đặc khu là cả một câu chuyện phức tạp, ưu đãi từ Chính phủ chỉ là một trong những khía cạnh rất nhỏ”- ông Thành nói.
Phó Viện trưởng CIEM nhấn mạnh, ngay trong điều kiện bình thường mọi ưu đãi mà Chính phủ đưa ra cho bất kỳ thành phần doanh nghiệp nào cũng dựa trên môi trường cạnh tranh đầy đủ, minh bạch. Với các dự án đầu tư nước ngoài, không chỉ riêng Formosa, chúng ta nên xem đây là những dự án đầu tư dài hạn.
“Đâu đó trong những kiến nghị xin cơ chế ưu đãi riêng của Formosa có những mặt mà họ cho rằng có lý. Tuy thế, gắn với chiến lược thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, tạo môi trường kinh doanh cạnh tranh, bình đẳng mà Chính phủ xây dựng, cần xem xét cẩn trọng để tránh tạo thành những tiền lệ”- TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh..