Formosa được miễn hoàn thuế 16.000 tỷ, không liên quan bồi thường sự cố 14/5!
Sau khi gây sự cố môi trường, Formosa gây chấn động dư luận vìsố tiền được miễn, hoàn thuế (ảnh: T.Hoa) |
Trả lời phỏng vấn của PV Infonet, ông Nguyễn Ngọc Du, Trưởng phòng kiểm tra thuế số 1, Cục thuế Hà Tĩnh cho biết, liên quan đến việc miễn và hoàn thuế cho Formosa tính đến ngày 31/7/2016 là hơn 16.090 tỷ đồng chứ không phải là hơn 10.000 tỷ đồng.
Theo ông Du, Formosa là một dự án lớn, đầu tư nhà máy thép và cảng. Với điều kiện đầu tư đó, liên quan đến mấy yếu tố hoàn thuế.
Thứ nhất, khi nhập khẩu hàng hóa thì phải nộp thuế GTGT cho ngành hải quan thu, nộp vào ngân sách. Tổng số hải quan thu từ khi thành lập đến bây giờ, thu thuế GTGT hàng nhập khẩu Formosa đến ngày 31/7/2016 là 9.256 tỷ.
Ngoài ra, Cục thuế phải hoàn trả thuế cho Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh ở các hạng mục như: Thuế mua hàng dịch vụ trong nước, thuế GTGT nộp hộ nhà thầu (do Formosa nộp). Tổng danh mục hoàn thuế GTGT tính đến 31/7 là hơn 14.617 tỷ đồng. Sau khi DN hoàn tất các thủ tục hoàn thuế theo đúng quy định thì buộc phải hoàn trả và miễn thuế cho DN.
Đến bây giờ, tất cả việc hoàn và nộp thuế đều đúng luật thuế GTGT, luật quản lý thuế, trên cơ sở được thanh tra Bộ Tài chính, thanh tra Tổng cục, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra – ông Du khẳng định.
Ông Du cũng nói thêm, chỉ sau sự kiện phản đối Trung Quốc ngày 14/5/2014 diễn ra tại Formosa, thuộc thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) thì việc hoàn thuế cho Formosa được bổ sung thêm danh mục "ghi thu ghi chi’’. Số tiền này hơn 1.473 tỷ đồng. Cho nên mới nâng tổng số hoàn, miễn thuế Formosa lên đến hơn 16.090 tỷ đồng.
Rõ ràng, danh mục ghi thu ghi chi trong việc miễn, hoàn thuế cho Formosa, mục đích là cắt giảm thủ tục hành chính cái này do Bộ tài chính quyết định. Số tiền này không liên quan đến việc bồi thường thiệt hại cho Formosa. Tuy nhiên, người dân lầm tưởng đây là số tiền bồi thường thiệt hại cho DN là không đúng – ông Du giải thích.
Trao đổi với Infonet, ông Nguyễn Văn Đức – Phó cục trưởng, Cục thuế Hà Tĩnh cho biết: Trong quy định luật đầu tư, có chính sách ưu tiên hoàn và miễn thuế cho DN. Khi DN (bao gồm DN trong nước và nước ngoài) nhập hàng hóa về thì phải khai thuế và nộp thuế. Sau đó, DN hoàn tất các thủ tục hành chính theo luật định để được hoàn thuế.
Ngoài ra, khi đầu tư vào bất kỳ một dự án nào, DN sẽ được miễn hoàn toàn thuế nhập khẩu, vật tư thiết bị phục vụ cho dự án đó. Miễn nhưng không có nghĩa là không phải nộp thuế. Bởi khi đầu tư kinh tế, DN phải đã kê khai và nộp thuế trước đó. Khi DN vào đầu tư dự án, DN kê khai đầy đủ các loại hàng hóa qua thuế họ sẽ miễn và hoàn trả lại tiền nộp trước đó – ông Đức nói thêm.
Phó cục trưởng, Cục thuế Hà Tĩnh cũng nhấn mạnh, việc hoàn miễn thuế cho Formosa là theo luật định, không liên quan đến việc bồi thường sau sự kiện phản đối Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam ngày 14/5/2014. Hai việc đó phải hoàn toàn tách biệt.
Trước đó, Tổng cục Thuế đã có dự kiến một số biện pháp hỗ trợ các DN bị thiệt hại do sự kiện ngày 14/5/2014 gửi Bộ Tài chính, trong đó đáng chú ý, Công ty Formosa Hà Tĩnh (FHS) là DN dự kiến được miễn thuế và không truy thu thuế số tiền hơn 10.450 tỷ đồng. Trong số này, có khoản khá lớn là tiền hoàn thuế VAT.
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, sau sự cố nói trên, cả nước ghi nhận có 778 DN được đánh giá bị ảnh hưởng, trong đó Bình Dương thiệt hại nặng nhất với 537 DN, Đồng Nai có 171 DN, TP. HCM có 33 DN và Hà Tĩnh có 1 DN.
Về tổng thiệt hại theo như khai báo của các DN báo về là 9.900 tỷ đồng và 4,23 triệu USD, trong đó Formosa khai báo bị chịu thiệt hại cao nhất với số tiền lên đến 5.533 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua rà soát của các cơ quan như bảo hiểm và cơ quan chức năng địa phương tổng số thiệt hại của các DN trên cả nước là 4.523 tỷ đồng và 4,23 triệu USD (trong đó, thiệt hại của Formosa là 4,77 tỷ đồng, các nhà thầu làm cho Formosa là 68,32 tỷ đồng).