EVN sẽ rút lui khỏi thị trường viễn thông
EVN sẽ rút lui khỏi thị trường viễn thông
Nguồn tin của Báo Bưu điện cho hay, việc sáp nhập EVN Telecom sẽ được thực hiện trên tinh thần chung là “bàn giao nguyên trạng”. Việc “sang tên đổi chủ” này cần một quyết định của Chính phủ bởi đây đều là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sở hữu. Điều đó cũng có nghĩa là không có chuyện mua bán EVN Telecom nhưng cũng đồng nghĩa với việc mạng viễn thông nhận EVN Telecom sẽ phải gánh khoản nợ nần của EVN Telecom.
Giới phân tích cho rằng, với thực trạng của cả Tập đoàn Điện lực lẫn EVN Telecom hiện nay, việc vực dậy EVN Telecom là “nhiệm vụ bất khả thi”. Trong khi đó, việc tìm đối tác để bán cổ phần của EVN Telecom giờ đây giống như câu chuyện chỉ có ở trong mơ. Nếu cứ tiếp tục để EVN Telecom như vậy cũng đồng nghĩa với việc lãng phí tiền của Nhà nước và lãng phí tài nguyên quốc gia. Hiện phần lớn các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam vẫn là doanh nghiệp của nhà nước, vì vậy, việc sáp nhập EVN Telecom được xem là lối thoát có vẻ như hợp lý trong tình hình hiện tại. Trong một phát biểu gần đây, ông Đào Văn Hưng, Chủ tịch hội đồng thành viên EVN cũng đã ngỏ ý muốn tập trung vào làm điện.
Kịch bản này đã được lãnh đạo một mạng di động lớn tiên đoán từ hồi đầu năm ngoái, trước cả vụ tái cơ cấu Vinashin. Còn giới phân tích cho rằng, đây là kịch bản để Tập đoàn Điện lực Việt Nam “rút lui an toàn” khỏi thị trường viễn thông.
Ai sẽ nhận EVN Telecom?
Cho đến thời điểm này, chưa có một quyết định chính thức EVN Telecom sẽ được sáp nhập với một doanh nghiệp viễn thông nào của Nhà nước được công bố. Thế nhưng, cái tên được nhắc đến nhiều nhất cho chuyện thâu nạp EVN Telecom là Viettel. Sở dĩ như vậy, bởi nhiều người tin tưởng Viettel hiện là doanh nghiệp viễn thông duy nhất có đủ sức “làm mới” và “đồng hoá” được EVN Telecom khi mạng này sáp nhập với Viettel. Tuy cũng là doanh nghiệp viễn thông của nhà nước, nhưng Viettel lại có thêm “bộ gen” và cách quản lý khá đặc biệt và nhờ đó - Viettel đang dẫn đầu thị trường viễn thông hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực thông tin di động.
Trong khi chờ một quyết định chính thức từ cơ quan có thẩm quyền về “số phận” của EVN Telecom, nhiều người đặt câu hỏi nếu kịch bản EVN Telecom được sáp nhập với một doanh nghiệp viễn thông khác thì Tập đoàn Điện lực có còn kinh doanh viễn thông nữa hay không khi họ vẫn có tiềm năng về truyền dẫn? Đây vẫn là ẩn số bởi truyền dẫn viễn thông vẫn là cơ hội đầy béo bở cho họ.
Quyết chấm dứt tình trạng đầu tư dàn trải
Chủ trương của Đảng và Chính phủ gần đây cũng đã có những định hướng để Tập đoàn Điện lực “chia tay” “đứa con đẻ” của mình. Mới đây, tại Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, một nội dung mới rất quan trọng được Hội nghị Trung ương xem xét, quyết định là phải tái cơ cấu nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước, phải quán triệt thực hiện các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước đã được xác định trong các nghị quyết của Đảng. Kiên quyết chấm dứt tình trạng các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đầu tư dàn trải ra ngoài ngành, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính trước năm 2015. Trong phiên họp thường kỳ tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các bộ, ngành phân tích kỹ thực trạng của DNNN, xây dựng đề án sắp xếp tái cơ cấu DNNN đến từng tập đoàn, tổng công ty. Thủ tướng Chính phủ cũng vừa yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước siết chặt và từng bước thoái thu nguồn vốn đã đầu tư vào các lĩnh vực ngoài ngành "nhạy cảm”.
Theo ICTnews