EVN không được phép phá sản: Nhận diện tài chính EVN
Trong những ngày qua, dư luận đang xôn xao trước những phát biểu của nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá về vấn đề tài chính của EVN khi vấn đề tăng giá điện đang được báo chí đăng tải.
Đặc biệt gần đây phát biểu sốc hơn cả là ý kiến của tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi cho rằng “EVN phải phá sản để phát triển ngành điện”.
Nhằm đa chiều ý kiến về vấn đề này. Infonet đăng tải bài viết của tác giả Xuân Tiến.
Quan điểm của tác giả không nhất thiết phản ánh quan điểm của tòa soạn.
Sau đây là nội dung bài viết:
Trước phát biểu gây sốc của Viện trưởng CIEM Nguyễn Đình Cung, có ý kiến cho rằng đây mới chỉ là cách nhìn một chiều, phiến diện và thiếu cơ sở khoa học. Bởi suy cho cùng EVN chính là đại Chính phủ để thực hiện các nhiệm vụ mà Chính phủ giao.
Khối lượng đầu tư khổng lồ
Để đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước, đồng thời đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án điện được Chính phủ giao cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) theo Quy hoạch điện VII, từ năm 2011 - 2020, EVN phải đầu tư và đưa vào vận hành 61 tổ máy thuộc 28 dự án nguồn điện, với tổng công suất 19.164 MW.
Từ năm 2011 - 2014, EVN đã đầu tư và đưa vào vận hành 27 tổ máy thuộc 13 dự án nguồn điện mới, với tổng công suất 6.538 MW. Tính chung cả giai đoạn 2011-2015, EVN sẽ đưa vào vận hành 36 tổ máy, với tổng công suất là 9.784 MW bằng 100,8% so với Quy hoạch điện VII. Giai đoạn 2016 - 2020, EVN dự kiến sẽ hoàn thành đưa vào vận hành thêm 4.920 MW công suất các nhà máy điện.
Theo tính toán của EVN, trong 10 năm, từ năm 2011 đến năm 2020 tổng nhu cầu vốn đầu tư của Tập đoàn khoảng 1.251.500 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư thuần là 921.000 tỷ đồng, trả nợ gốc, lãi vay khoảng 330.500 tỷ đồng. Riêng đối với các dự án nguồn điện, để đáp ứng mục tiêu đầu tư theo Quy hoạch điện VII, dự kiến tổng nhu cầu vốn ước khoảng 542.000 tỷ đồng, chiếm 58,8% tổng nhu cầu đầu tư thuần của EVN.
Chỉ tính riêng trong năm 2014, EVN đã đầu tư hơn 125.453 tỷ đồng cho công tác xây dựng các nhà máy, lưới điện... Đặc biệt, số tiền trả nợ gốc, lãi vay cũng được EVN “xử lý” với số lượng khá lớn, hơn 30.362 tỷ đồng. Năm 2015 được kỳ vọng là năm “thuận lợi” với tổng số tiền rót đầu tư các dự án điện khoảng 127.533 tỷ đồng, EVN sẽ thu xếp trả nợ gốc và lãi vay khoảng 30.873 tỷ đồng.
Tuy nhiên, dấu ấn đậm nét nhất của EVN trong những năm qua là việc thực hiện đưa điện về các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo với các dự án như: Dự án “Cấp điện cho các thôn bản chưa có điện 5 tỉnh Tây Nguyên”, cấp điện cho 1.331 thôn buôn với tổng số hơn 116.000 hộ dân, đưa tỷ lệ số hộ dân có điện 5 tỉnh Tây Nguyên từ 84 – 93%; Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện chủ yếu là đồng bào Khmer” khu vực Tây Nam Bộ các tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang cấp điện cho 91.591 hộ dân, đưa tỷ lệ có điện từ 86 – 93%; Dự án “Cấp điện cho các hộ dân chưa có điện” khu vực Tây Bắc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Sơn Là với 52.725 hộ dân, đưa tỷ lệ hộ có điện từ 78 – 86,83%; Dự án cấp điện lưới quốc gia tới các huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) và Phú Quốc (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi)… với số tiền đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng.
Nhiều chuyên gia cho rằng: Việc đưa điện về nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo trong những năm qua và trong thời gian tới sẽ làm EVN lỗ và chắc chắn sẽ không có một doanh nghiệp nào dám đứng ra đầu tư đưa điện về những vùng khó khăn trên.
Tăng giá điện để cân bằng tài chính
Tại Hội nghị Tổng kết thực hiện nhiệm vụ năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015, ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc EVN cho hay: Chính phủ cũng yêu cầu đến 2015 EVN về cơ bản phải giải quyết xong khoản lỗ đang tồn tại nhằm cân bằng tài chính.
Tuy nhiên, với khoản lỗ sản xuất kinh doanh do hạn hán giai đoạn 2009-2010 khoảng 12.000 tỉ đồng đã được EVN xử lý xong, thì đến nay vẫn còn khoảng 8.800 tỉ đồng lỗ từ chênh lệch tỷ giá vẫn chưa được cân đối. Cộng với khoảng 8.000 tỉ đồng lỗ mới phát sinh từ giá than tăng, thuế tài nguyên nước tăng từ 2 lên 4%, phí môi trường rừng, chi phí lưới điện nông thôn… nên tổng cộng khoản lỗ tính tới hiện tại ngành điện là 16.800 tỉ đồng.
Thực tế những năm gần đây, câu chuyện này đã được không ít chuyên gia đề cập đến, Đảng, Chính phủ cũng có rất nhiều chính sách hỗ trợ nhằm thu hút các nguồn lực khác trong nền kinh tế đầu tư, phát triển hệ thống lưới điện. Nhưng do giá điện chưa được điều chỉnh một cách phù hợp, đảm bảo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, trước những yêu cầu mới, đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế, cũng như các đối tượng sử dụng điện, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho các dự án điện mỗi năm hiện rất lớn, lên tới cả nghìn tỉ đồng và đây là số tiền quá lớn so với khả năng tích luỹ của ngành Điện.
Mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đã có buổi thuyết trình Dự thảo Báo cáo cuối cùng về Xây dựng kế hoạch cải thiện tình hình tài chính cho EVN và các đơn vị thành viên. WB khuyến nghị tăng giá điện là yêu cầu bắt buộc và cần thực hiện sớm nhất có thể để cải thiện tình hình tài chính của ngành Điện đang tiếp tục quay về tình trạng thua lỗ và quan trọng hơn là để thu hút được đầu tư, đáp ứng nhu cầu phụ tải dự báo tăng mạnh trong thời gian tới.
Theo WB, sau khi đạt mức tăng trưởng bình quân lên tới 14,3% trong giai đoạn 2006-2010, có giảm xuống trong những năm qua, nhưng nhu cầu điện năng của Việt Nam sẽ vẫn cao (dự kiến là 12% trong giai đoạn 2015-2020).
Với mức tăng trưởng đó, tổng vốn đầu tư cho các dự án điện sẽ phải vào khoảng 7,5 tỷ USD/năm, lớn hơn nhiều so với mức đầu tư những năm gần đây (2,5-2,6 tỷ USD). Theo tính toán, 70% số vốn này phụ thuộc vào khu vực tư nhân thông qua các dự án IPP (nhà máy điện độc lập). Tuy nhiên, việc giá điện đã không tăng từ tháng 8/2013 và biểu giá điện hiện đang dưới giá thành khiến mục tiêu nói trên “không thể đạt được, nếu không có biểu giá mới phù hợp”, Báo cáo của WB nhìn nhận. Các nhà đầu tư tư nhân chỉ đầu tư vào các dự án phát điện nếu giá điện phản ánh chi phí và bao gồm cả các yếu tố như chênh lệch tỷ giá, giá nhiên liệu, điều kiện thủy văn,…
Giá điện cũng sẽ là “nút thắt” quan trọng cần tháo gỡ để cải thiện tình hình tài chính của EVN. Chỉ trừ năm 2012 (do nhiều mưa đã tạo điều kiện rất tốt cho các nhà máy thủy điện hoạt động, giá điện tăng, tiến hành đánh giá lại tài sản và giảm lỗ tỷ giá), hiện tại, EVN vẫn đang khó khăn trước những thách thức, rủi ro chính là thủy văn, chênh lệch tỷ giá, quản lý nợ, khả năng thu hút vốn tư nhân, phản ứng từ khách hàng và quản trị doanh nghiệp.
Các phân tích của Báo cáo khuyến nghị từ nay đến nửa cuối năm 2016, cần thiết phải tăng giá bán điện lên mức cao nhất có thể trong khung 10% theo Quy định tại Quyết định 2165/QĐ-TTg cho mỗi chu kỳ 6 tháng. “Sau đó, nhu cầu về việc tăng giá sẽ giảm xuống và biểu giá điện cần được điều chỉnh ở mức thấp hơn tỷ lệ lạm phát dự kiến”, theo Báo cáo của WB.
Nhận diện được những khó khăn này của ngành Điện, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo Nhà nước Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia mới đây, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều chỉnh giá điện vào cuối tháng 2/2015.
Trong đợt tăng giá điện lần này, ưu tiên điều chỉnh giá truyền tải điện, để Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia có thể nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng các chỉ tiêu tài chính theo yêu cầu của các tổ chức tài chính trong nước và quốc tế, bảo đảm tự thu xếp đủ vốn cho đầu tư phát triển lưới điện truyền tải. Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, cơ quan liên quan hoàn thiện các nội dung của Đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020 có xét đến năm 2030 (Quy hoạch điện VII).
Nhìn theo một cách khác, với nhiệm vụ là công cụ điều tiết nền kinh tế, đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế xã hội, EVN sẽ phải tiếp tục cân đối và làm tốt hơn nữa những trọng trách được giao để làm nền tảng và bàn đạp cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế quốc gia. Nhìn theo cách khác, EVN không thể phá sản và không được phép phá sản.