EVN được đầu tư tài chính, kinh doanh vốn đối với công trình điện
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp, các quy định pháp luật có liên quan và Điều lệ này.
EVN có tư cách pháp nhân theo pháp luật Việt Nam, có con dấu, nhãn hiệu, thương hiệu, được mở tài khoản tại các ngân hàng theo quy định của pháp luật. EVN có vốn và tài sản riêng, tự chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ bằng toàn bộ tài sản của mình.
Các chức năng chủ yếu của EVN là tổ chức, quản lý và điều hành các hoạt động phát điện, truyền tải điện, phân phối điện, bán buôn điện, bán lẻ điện để bảo đảm cung cấp điện an toàn, ổn định, liên tục và đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tiến hành các hoạt động đầu tư, ký kết các hợp đồng với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài nhằm bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Đồng thời, trực tiếp kinh doanh vì mục tiêu lợi nhuận theo quy định của pháp luật, bảo toàn và phát triển vốn của EVN; đầu tư vào các công ty con, các công ty liên kết; chi phối các công ty con trên cơ sở tỷ lệ nắm giữ vốn điều lệ của các công ty đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ này; thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn của EVN tại các công ty con, công ty liên kết; thực hiện những công việc khác mà Nhà nước trực tiếp giao cho EVN tổ chức thực hiện...
Ngành, nghề kinh doanh chính của EVN là sản xuất, truyền tải, phân phối và kinh doanh mua bán điện năng; chỉ huy điều hành hệ thống sản xuất, truyền tải, phân phối và phân bổ điện năng trong hệ thống điện quốc gia; xuất nhập khẩu điện năng; đầu tư và quản lý vốn đầu tư các dự án điện; quản lý, vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng, đại tu, cải tạo, nâng cấp thiết bị điện, cơ khí, điều khiển, tự động hoá thuộc dây chuyền sản xuất, truyền tải và phân phối điện, công trình điện; thí nghiệm điện; tư vấn quản lý dự án, tư vấn khảo sát thiết kế, tư vấn lập dự án đầu tư, tư vấn đấu thầu, lập dự toán, tư vấn thẩm tra và giám sát thi công công trình nguồn điện, các công trình đường dây và trạm biến áp.
Bên cạnh đó, EVN còn kinh doanh các ngành, nghề liên quan phục vụ trực tiếp ngành, nghề kinh doanh chính như: chế tạo thiết bị điện, đầu tư kinh doanh cơ khí điện lực; xây lắp các công trình điện; dịch vụ tự động hóa và điều khiển; kinh doanh các dịch vụ công nghệ thông tin (nghiên cứu, phát triển, triển khai, tư vấn và đào tạo) trong và ngoài nước, quản lý hệ thống viễn thông dùng riêng; xuất nhập khẩu nhiên liệu, nguyên vật liệu, vật tư thiết bị ngành điện; xây lắp, giám sát lắp đặt thiết bị viễn thông - công nghệ thông tin; sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu cách điện, vật liệu cách nhiệt, trang bị bảo hộ lao động; đầu tư tài chính và kinh doanh vốn mà Nhà nước giao cho EVN đối với các công trình điện... Tùy từng thời điểm và tình hình sản xuất, kinh doanh, EVN có thể bổ sung các ngành, nghề kinh doanh khác mà pháp luật không cấm sau khi được chủ sở hữu nhà nước chấp thuận.
Vốn điều lệ của EVN đến hết năm 2018 là 205.390 tỷ đồng.
Cơ cấu tổ chức quản lý và điều hành của EVN gồm: Hội đồng thành viên EVN; Tổng giám đốc EVN; các Phó Tổng giám đốc và Kế toán trưởng; Ban kiểm soát và Kiểm soát viên; Bộ máy giúp việc của EVN.