EVN được cộng tiền hiếu hỷ, nghỉ mát vào chi phí kinh doanh
Bộ Tài chính vừa chính thức công bố Dự thảo Nghị định ban hành Quy chế Quản lý tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) để lấy ý kiến đóng ý. Bản dự thảo gồm 4 chương và 48 điều.
Theo nội dung Điều 26 của bản dự thảo về chi phí hoạt động kinh doanh quy định, chi phí hoạt động của EVN là các khoản chi phí phát sinh liên quan tới hoạt động sản xuất kinh doanh trong năm tài chính. Bản dự thảo liệt kê ra 19 chi phí kinh doanh được tính vào chi phí hoạt động kinh doanh của EVN, gồm: chi phí nguyên vật liệu, chi phí công cụ dụng cụ lao động, chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, chi phí tiền lương, bảo hiểm xã hội, chi phí giao dịch, đào tạo...
Theo bản dự thảo Nghị định quy chế quản lý tài chính vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, các khoản tiền hiếu hỷ, nghỉ mát... của cán bộ EVN cũng sẽ được tính vào chi phí kinh doanh |
Khác với quy chế trước đây, lần này EVN được phép cộng và hạch toán các khoản chi phúc chi trực tiếp cho người lao động, như chi đám hiếu, hỷ của bản thân và gia đình người lao động; chi nghỉ mát, chi hỗ trợ điều trị, chi hỗ trợ bổ sung kiến thức học tập tập tại cơ sở đào tạo… vào chi phí sản xuất kinh doanh.
“Tổng số chi không quá 1 tháng lương bình quân thực tế thực hiện trong năm tính thuế của EVN thì được tính vào chi phí kinh doanh”- dự thảo nêu rõ.
Ngoài ra, Dự thảo Nghị định quy định có 4 khoản chi phí không tính vào chi phí sản xuất kinh doanh, bao gồm: chi phí mua sắm xây dựng, lắp đặt tài sản cố định hữu hình, vô hình; chi phí lãi vay vốn được tính vào chi phí đầu tư và xây dựng; các khoản chi phí khác không liên quan đến hoạt động kinh doanh của EVN; các khoản chi không có chứng từ hợp lệ; các khoản tiền phạt về vi phạm pháp luật không mang danh EVN mà do cá nhân gây ra.
Về chế độ quản lý tiền lương của EVN, tiền thưởng đối với người lao động và tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với lãnh đạo của EVN được thực hiện theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, các khoản tiền lương và thù lao này sẽ được tính toán để loại trừ yếu tố khách quan ảnh hưởng đến lợi nhuận, năng suất lao động; khoản chênh lệch tỷ giá chưa được đưa vào trong phương án giá điện; khoản thu từ mở rộng sản xuất, đầu tư mới vào ngành nghề kinh doanh chính theo quyết định của Chính phủ...
Bản dự thảo lần này của Bộ Tài chính cũng nêu rất cụ thể, chi tiết về phân phối lợi nhuận của EVN. Cụ thể, đối với các khoản lợi nhuận còn lại sau khi đã bù đắp lỗ năm trước và chia lãi cho các thành viên góp vốn, sẽ được phân phối vào 3 nguồn quỹ: Quỹ đầu tư phát triển; Quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động và Quỹ thưởng cho người quản lý, kiểm soát viên. Số còn lại thì nộp về ngân sách nhà nước. Theo đó, sẽ trích tối đa 30% vào Quỹ đầu tư phát triển.
Quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động sẽ được trích theo nguyên tắc: Đối với người lao động xếp loại A sẽ được trích 3 tháng lương, loại B được trích 1,5 tháng lương, xếp loại C được trích 1 tháng lương của người lao động.
Lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ quy định được nộp về Ngân sách nhà nước.