EU chuẩn bị chống đỡ làn sóng phiến quân IS mới sau trận chiến Mosul
Theo thông tin do tờ Washington Post cung cấp, các vụ khủng bố tại Paris và Brussels trong những năm gần đây đều do những phần từ Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) sinh sống tại châu Âu tiến hành. Một vài tên trong số đó đã huấn luyện với các phiến quân tại Iraq và Syria, sau đó quay trở lại châu Âu gây án.
![]() |
Tổng thống Pháp Francois Hollande (giữa) cùng lãnh đạo các nước châu Âu trong một hội nghị thượng đỉnh EU. |
Hiểm họa an ninh sau khi giành lại Mosul đang khiến lãnh đạo các quốc gia từng bị IS khủng bố đau đầu. Một số quan chức cấp cao cho biết họ đang thực hiện những biện pháp cảnh giác bởi khi thành phố Mosul đang bị không kích dữ dội, hàng ngàn người có thể sẽ tìm cách sơ tán khỏi đây và trong số này nhiều khả năng sẽ có những phần tử khủng bố đang trà trộn.
Các quan chức chống khủng bố nói rằng hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định rằng liệu chiến dịch quân sự ở Mosul sẽ khiến một đợt phiến quân khủng bố mới tràn vào châu Âu. Họ cũng tiết lộ, mỗi khi IS chịu tổn thất lớn trên chiến trường, rất nhiều thành viên xuất thân từ châu Âu của tổ chức này đã về nước.
“Càng chịu nhiều tổn thất, càng có thêm sức ép quân sự từ bên ngoài thì IS càng có những phản xạ nhất định”, ông Rob Wainwright, giám đốc Cơ quan Cảnh sát Châu Âu (Europol) cho biết. Ông cũng nói thêm, trong những tháng gần đây số phần tử khủng bố gốc châu Âu trở về nước đang “tăng nhẹ”.
Ước tính có khoảng 4.000 đến 5.000 người có quốc tịch từ các nước châu Âu đã được cho là đến Syria và Iraq để tham gia vào cuộc nội chiến ở các nước Trung Đông này. Ông Wainwright tin rằng trong số này có khoảng 1/3 trong số những tên này đã thâm nhập vào châu Âu, còn lại đều đã bị giết hại.
Nhiều khả năng IS cũng sẽ tiến hành các vụ khủng bố nghiêm trọng mới để chứng minh rằng tổ chức này vẫn là một thế lực lớn. “IS hiện đang tìm những cách thức ngày càng tinh vi hơn trước để đưa các phần tử của tổ chức này vào châu Âu”, ông Wainwright cho biết
Hàng loạt các vụ tấn công xảy ra tại Paris và vụ khủng bố ở Brussels (Bỉ) là dấu hiệu đầu tiên cho thấy IS đang hướng sự chú ý của chúng đến châu Âu. Sau đó, một vụ đâm xe hàng loạt tại thành phố Nice (Pháp) đã cho thấy cách thức tấn công ngày càng tinh vi của các phần tử IS để gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người.
Ông Gilles de Kerchove, một quan chức chống khủng bố cấp cao của EU cho biết: “Chúng ta phải rất cảnh giác, bởi có thể sẽ có nhiều phần tử IS có mặt ở châu Âu”. Ông cũng nói rằng châu Âu vẫn sẽ bị đặt trong tình trang báo động cho dù IS đang bị đẩy lùi ở Trung Đông.
Trước mắt, vấn đề đáng lo ngại nhất đó là việc bảo vệ những người dân đang kẹt lại ở Mosul, theo ước tính có đến hơn 1,5 triệu người. IS trước đây đã dùng dân thường làm lá chắn sống, và quân đội Iraq cùng các lực lượng đồng minh sẽ gặp khó khăn trong việc phân biệt phiến quân khủng bố với dân thường. Trong trường hợp Mosul thất thủ, IS chắc chắn sẽ rút về Raqqa (Syria), nơi được coi là “thủ đô” của IS, và thành phố này đã được các lực lượng chống khủng bố trong khu vực xác định là mục tiêu kế tiếp.