EU chi "mạnh tay" chống Covid-19, TGĐ WHO phản pháo gay gắt chỉ trích của ông Trump
Dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 210 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc. Ảnh: RIA. |
Theo đó, các nước EU đang triển khai chương trình “Team Europe”, nơi tập hợp kinh phí cho công tác chống lại dịch Covid-19 tại các quốc gia gặp khó khăn và ít được bảo vệ nhất.
Thông báo của EU cho hay: “Mục tiêu chính của Team Europe là kết hợp các nguồn lực của EU, các quốc gia thành viên, các tổ chức tài chính như Ngân hàng Đầu tư châu Âu và Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu”.
Mới đây, Ủy ban Châu Âu (EC) và Ngân hàng Đầu tư Châu Âu tuyên bố sẽ cung cấp 15,6 tỉ euro để hỗ trợ chống dịch bệnh, đây là kinh phí được chuyển từ các chương trình hỗ trợ hiện có khác.
“Các nước EU khẳng định tham gia vào nỗ lực chung và đóng góp theo cách tương tự như Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu. Tổng số tiền của chương trình Team Europe là hơn 20 tỉ euro”, thông báo cho biết.
Được biết, nơi nhận các khoản hỗ trợ này sẽ là các nước ở Châu Phi, Tây Balkan, các nước trong nhóm Đối tác phương Đông, một số quốc gia ở Trung Đông và Bắc Phi, Châu Á và Châu Mỹ Latinh. Đặc biệt, các quỹ sẽ được dùng để đáp ứng các nhu cầu cấp bách mang tính nhân đạo, hỗ trợ các hệ thống y tế, khắc phục hậu quả kinh tế và xã hội do đại dịch gây ra.
Đồng thời, EU nhấn mạnh, cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 sẽ được tài trợ từ nguồn kinh phí trước đây được phân bổ cho hoạt động hợp tác quốc tế với các nước đối tác của EU.
Trước đó, các nhà lãnh đạo EU cũng đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường nghiên cứu để tìm thuốc điều trị và vắc-xin ngừa virus SARS-CoV-2. Về phần mình, EC đã huy động được 140 triệu euro và lựa chọn ra 17 dự án cho các công việc nêu trên.
Ngoài ra, các lãnh đạo EU cũng thống nhất giao nhiệm vụ cho EC phân tích nhu cầu và đưa ra các sáng kiến để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế, trong đó đặc biệt chú ý đến khẩu trang và máy thở.
Cũng theo Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus, ông nhận được các “mối đe dọa” liên quan đến các hoạt động của tổ chức này trong công tác chống lại đại dịch Covid-19.
Theo đó, ông Ghebreyesus đã bình luận về những tuyên bố tiêu cực của Tổng thống Mỹ Donald Trump liên quan đến công việc của WHO về dịch Covid-19: “Tôi có thể nói về các cuộc tấn công cá nhân đối với tôi đã diễn ra trong ba tháng qua. Những bình luận ác ý hay phân biệt chủng tộc về tôi ... thậm chí sự đe dọa về an toàn. Tôi không quan tâm đến chỉ trích cá nhân, thậm chí cả mối đe dọa cuộc sống, tôi thậm chí không trả lời. Nhưng khi có sự xúc phạm đến cộng đồng, điều này không thể dung thứ được”.
Trước đó, hôm 7/4 trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump bất ngờ công kích mạnh mẽ WHO, dọa sẽ cắt tiền tài trợ vì tổ chức này “nghiêng về phía Trung Quốc, cung cấp thông tin sai lệch về dịch Covid-19”.
“Chúng tôi sẽ ngưng chi tiền cho WHO. Chúng tôi sẽ ngưng toàn bộ để rồi xem ra sao. Họ đã làm sai, sai tất cả. Họ đã làm hỏng bét mọi chuyện”, ông Trump nói.
Năm ngoái, Mỹ đóng góp tổng cộng hơn 500 triệu USD cho WHO, là nước đóng góp nhiều nhất cho tổ chức này. Ngân sách dành cho WHO ước tính khoảng 6 tỉ USD trong năm 2019, được đóng góp từ các quốc gia thành viên trên khắp thế giới.
Tuy nhiên, ông Trump không đưa ra thông tin chi tiết về thời điểm cũng như số tiền ngừng tài trợ cho WHO.
Tổng giám đốc WHO cho biết thêm, ông không nghĩ điều đó là cần thiết. "Chúng ta không nên lãng phí thời gian tranh luận về việc này. Chúng ta cần phải đoàn kết. Nếu không đảm bảo được sự thống nhất, tình huống thậm chí còn sẽ tồi tệ hơn", ông nói.
Theo báo giới, lí do khiến ông Trump “nổi nóng” với WHO là do đang chịu nhiều sức ép từ dư luận do công tác ứng phó với dịch Covid-19 quá chậm chạp.
Số liệu thống kê trên trang Worldometers cho thấy, tính đến sáng ngày 9/4, trên thế giới đã có 1.513.304 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (Covid-19), bao gồm 88.405 ca tử vong. Hơn 1/5 số bệnh nhân Covid-19 (gần 329.674 người) đã hồi phục sau điều trị. Đến nay, dịch bệnh đã xuất hiện ở 210 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.