Đường xây dựng đế chế FPT của thầy giáo Trương Gia Bình
Ông Trương Gia Bình sinh năm 1956 tại Nghệ An và từng là sinh viên khoa Toán cơ thuộc Đại học tổng hợp Lomonosov. Năm 1979, ông bảo vệ thành công Luận án tiến sĩ tại Đại học Tổng hợp Lomonosov, sau đấy được Nhà nước phong tặng danh hiệu Phó giáo sư vào năm 1991.
Sau khi rời Nga, ông Trương Gia Bình về nước và bén duyên với hoạt động kinh doanh. Trong một lần tâm sự với báo giới, vị Phó giáo sư này chia sẻ rằng: “Năm 1985, tôi về Việt Nam, một người bạn than thở: “Bình ơi đói quá không nuôi nổi vợ con, mình phải làm cái gì đi chứ?”. Vượt lên nghèo khó vốn là một suy nghĩ chất chứa trong đầu từ lâu và tôi quyết định lập nhóm Nhiệt và chất ở Viện Cơ rồi bắt đầu làm kinh tế”.
Để rồi sau đấy vào năm 1988, FPT chính thức ra đời và ông Trương Gia Bình là một trong số 13 thành viên đồng sáng lập, bao gồm ông Lê Thế Hùng; ông Võ Văn Mai; ông Đỗ Cao Bảo; ông Bùi Quang Ngọc; ông Nguyễn Thành Nam; ông Đào Vinh; ông Phạm Hùng; ông Lê Vũ Kỳ; ông Nguyễn Trung Hà; ông Lê Quang Tiến; ông Nguyễn Chí Công và ông Trần Đức Nhuận.
Ông Trương Gia Bình |
Song song với quá trình phát triển doanh nghiệp thì người đứng đầu FPT cũng đặc biệt chú tâm vào sự nghiệp rèn người. Vào năm 1995, ông Trương Gia Bình là người có công lớn thành lập Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) trực thuộc Đại học quốc gia Hà Nội, một địa chỉ đào tạo MBA (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) quen thuộc và có uy tín tại Việt Nam. Cũng trong năm đó, nhận thấy tin học ngày càng phát triển, vị doanh nhân sinh năm 1956 này quyết định chuyển hướng phát triển mạnh lĩnh vực công nghệ. Đến năm 2002 công ty đổi tên thành Công ty cổ phần Phát triển Đầu tư Công nghệ FPT. Cùng với đó, ông và các cộng sự đã tìm tòi học hỏi mô hình và cách thức quản lý của các công ty công nghệ hàng đầu ở nước ngoài rồi áp dụng những điểm phù hợp vào FPT để đưa công ty ngày một phát triển.
Năm 2006, FPT tiếp tục đẩy mạnh hoạt động sản xuất kinh doanh và chính thức lên sàn chứng khoán, đây cũng là doanh nghiệp đầu tiên trong lĩnh vực công nghệ thông tin niêm yết trên sàn và chỉ trong vòng nửa tháng giá cổ phiếu của FPT tăng 46 lần so với mệnh giá ban đầu. Giá trị của công ty trên thị trường tăng 28.000 tỷ đồng, tương đương 1,75 tỷ đô la vào thời điểm đó. Tài sản của đội ngũ lãnh đạo trong FPT cũng nhờ vậy mà tăng lên nhanh chóng. Năm 2008, FPT chính thức đổi tên thành Công ty cổ phần FPT và được duy trì cho đến nay, hoạt động chính trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Cũng nhờ việc niêm yết trên sàn mà năm 2006 ông Trương Gia Bình đã đứng đầu danh sách top 100 người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt nam với khối tài sản ước tính khoảng 2.400 tỷ đồng, tương đương 150 triệu USD. Đáng nói, người sáng lập FPT cũng chính là người mở màn cho thế hệ đại gia Việt. Hiện tại, ông Trương Gia Bình đứng vị trí 22 trong bảng xếp hạng này với giá trị tài sản nắm giữ gần 1.880 tỷ đồng.
Không chỉ nổi tiếng là người lãnh đạo bản lĩnh của tập đoàn công nghệ số 1 Việt Nam, ông Trương Gia Bình còn là một trong ít lãnh đạo nổi tiếng của các doanh nghiệp lớn tại Việt Nam thường xuyên có những buổi hội thảo, trao đổi với giới trẻ. Người được mệnh danh là linh hồn của FPT từng bộc bạch rằng: “Tôi và FPT, chúng tôi lúc nào cũng nỗ lực và muốn vươn lên đỉnh cao của thế giới”. “Một trong những bí quyết kinh doanh của FPT là đem cho. Muốn đất nước hùng mạnh thì phải có người đóng góp.”
Dưới sự dẫn dắt của doanh nhân tuổi Bính Thân này, FPT đang ngày càng lớn mạnh với 6 công ty con và 4 công ty liên kết “phủ sóng” tại 45 quốc gia trên thế giới. Sau 9 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của FPT đạt 19.596 tỷ đồng, vượt 4% kế hoạch đề ra và tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ 2018, lợi nhuận sau thuế đạt 2.939 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số nhân viên của tập đoàn đã tăng lên mức 28.711 người. Tính đến ngày 30/9/2019, quy mô tổng tài sản của công ty đạt 32.276 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đạt 16.248 tỷ đồng.