Đường nghìn tỷ 5 năm GPMB được hơn 4km, đội vốn thêm 345 tỷ
Sau 5 năm, tuyến đường 6,9km có vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng tại Đắk Lắk mới bàn giao mặt bằng để thi công 4,2km; chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB) cho dự án cũng tăng gấp 2,5 lần, từ 220 tỷ đồng thành 565 tỷ đồng.
Thấp thỏm lo nhà sập, đằng đẵng chờ tiền đền bù
Cứ mỗi lần bão gió, bà Đinh Thị Phương (63 tuổi, trú thôn 2, xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma thuột, tỉnh Đắk Lắk) lại thấp thỏm lo âu vì căn nhà gỗ của bà đã xuống cấp, xiêu vẹo nhưng không dám sửa chữa.
Bà Phương dùng tôn che lên mái ngói bị hỏng. |
Nhà bà Phương nằm trong vùng giải tỏa của dự án đường Đông-Tây TP Buôn Ma Thuột. Hơn 5 năm trước, lực lượng chức năng đã về đo đạc, kiểm kê, lên phương án đền bù và yêu cầu bà không được sửa chữa hay thay đổi hiện trạng căn nhà.
Chờ “dài cổ” bà Phương vẫn chẳng nhận được tiền đền bù, trong khi căn nhà gỗ ngày càng xuống cấp. Vì quá lo lắng, nhiều lần đến gặp chính quyền xã Hòa Thắng xin sửa sang lại nhà cửa nhưng không được chấp nhận, bà đành che tạm tấm tôn lên mái ngói bị hỏng, dùng cây sắt chống lại căn nhà đang nghiêng hẳn sang một bên của mình.
Nhà nghiêng, bà Phương không sửa được, phải dùng cây sắt để chống. |
“Khi có mưa to, gió lớn thì vợ chồng tôi chạy sang nhà con trai hoặc nhà hàng xóm. Nhà tôi cũ quá rồi, không chống chọi được nữa”, bà Phương chia sẻ.
Ngoài bà Phương, còn rất nhiều hộ dân đang phải sống trong cảnh “thấp thỏm âu lo” vì nằm trong diện giải tỏa của dự án đường Đông-Tây TP Buôn Ma Thuột.
Ông Nguyễn Văn Tôn (75 tuổi, trú tại phường Tự An) cho hay, từ năm 2016, gia đình ông nhận được thông báo của UBND TP Buôn Ma Thuột về việc thu hồi 171m2 đất và nhà ở của ông để thực hiện dự án đường Đông-Tây.
Thế nhưng, gần 5 năm trôi qua, vợ chồng ông Tôn không biết lúc nào nhà sẽ giải tỏa.
“Chúng tôi đang ở nhà của mình mà như ở nhà trọ, không biết lúc nào chính quyền sẽ thu hồi. Nhiều lúc tôi muốn chuyển đi chỗ khác để nghỉ dưỡng cho yên tuổi già nhưng không có tiền nên chẳng biết đi đâu, nhà thì không được sửa cũng không được bán”, ông Tôn bộc bạch.
Việc giải phóng mặt bằng đoạn cuối tuyến đường Đông-Tây TP Buôn Ma Thuột “gặp khó” vì đi qua khu nghĩa trang của người dân. |
Chi phí giải phóng mặt bằng tăng gấp 2,5 lần
Dự án đường Đông-Tây TP Buôn Ma Thuột được khởi công xây dựng tháng 9/2015 với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỉ đồng. Tuyến đường này đi qua các phường Tân Thành, Tự An, Tân Lập và xã Hòa Thắng của TP Buôn Ma Thuột với chiều dài 6,9km.
Thông tin dự án đường Đông-Tây Buôn Ma Thuột. |
Dự kiến hoàn thành dự án năm 2018 nhưng vì thiếu vốn nên phải giãn tiến độ thì công. Hết năm 2018, đường Đông-Tây vẫn chưa hoàn thành và phải gia hạn tới tháng 12/2020. Thế nhưng, đến tháng 9/2020, việc GPMB vẫn... "chưa đâu vào đâu".
Theo tài liệu PV thu thập được, hiện chủ đầu tư (tức UBND TP Buôn Ma Thuột) mới bàn giao cho nhà thầu được 4,4km mặt bằng. Còn lại 2,2km ở đầu và cuối tuyến đường chưa giải tỏa xong vì hàng loạt vướng mắc. Trong đó, vấn đề khó khăn nhất là tuyến đường này đi qua khu nghĩa địa (tại xã Hòa Thắng) và khu dân cư đông đúc ở phường Tự An.
Đoạn đầu tuyến đường Đông-Tây “vướng” khu dân cư đông đúc, chi phí GPMB rất cao. |
Về kinh phí đầu tư, năm 2014, đường Đông-Tây TP Buôn Ma Thuột được phê duyệt vốn GPMB 220 tỉ đồng. Đến tháng 5/2020, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột có tờ trình gửi UBND TP.Buôn Ma Thuột báo cáo hiện kinh phí bồi thường, hỗ trợ GPMB của dự án khoảng 565 tỉ đồng, tức tăng gần 345 tỉ đồng, tương đương 2,5 lần so với phê duyệt năm 2014.
Theo ông Trương Văn Chính, Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Buôn Ma Thuột, do trước đây có vướng mắc về vốn nên dự án bị chậm tiến độ ở khâu GPMB. Do giá đất hiện nay tăng cao nên chi phí GPMB cũng phải tăng lên nhiều so với phê duyệt ban đầu.
Được biết, trong tháng 9/2020, đích thân ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã đi khảo sát thực tế dự án xây dựng tuyến đường Đông-Tây TP Buôn Ma Thuột. Tại buổi khảo sát, ông Nghị đã yêu cầu chủ đầu tư (UBND TP Buôn Ma Thuột) phải đẩy nhanh tiến độ GPMB để bàn giao cho nhà thầu.
Trần Nhân